Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Cẩn trọng khi chữa bệnh bằng “bác sĩ Google”

Hoàng Quý - 10:57, 25/08/2020

Thời gian gần đây, việc tìm kiếm các thông tin trên Internet đã không còn quá xa lạ với chúng ta khi mà thời đại thông tin đại chúng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, nhiều người lại đang quá lạm dụng điều này trong cuộc sống, công việc, thậm chí là cả y tế, khiến không ít trường hợp gặp hệ lụy khó lường.

Người dân nên đến cơ sở y tế khám chữa bệnh
Người dân nên đến cơ sở y tế khám chữa bệnh

Điển hình như trường hợp của một nữ bệnh nhân ở Gia Lâm (Hà Nội) đã từng phải đi cấp cứu vì tin tưởng vào những hướng dẫn của “bác sĩ Google”. Được biết, do có tiền sử bị tăng huyết áp nên bệnh nhân đã áp dụng chế độ ăn chay trên mạng, kéo dài 45 ngày. Theo đó, bệnh nhân này chỉ ăn gạo lứt và muối vừng. Ngay sau đó, bệnh nhân đã phải đi cấp cứu vì bị hẹp động mạch vành do ăn chay dài ngày đã dẫn tới giảm điện giải trong máu, kích thích gây ngừng tim.

Hay như anh Lò Quang Giáp (Lào Cai), khi phát hiện mình có rất nhiều mụn trứng cá trên mặt nhưng vì ngại đi bệnh viện phải chờ đợi lâu, lại tốn kém nên đã chủ động tìm kiếm cách chữa trên mạng Internet. Được giới thiệu một sản phẩm thuốc bôi chữa mụn, anh Giáp đã tin tưởng mua về sử dụng. Nhưng chỉ được một thời gian, chẳng những da không hết mụn mà còn có dấu hiệu nặng hơn. 

Đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp do chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh lý của mình và quá tin tưởng vào những thông tin trên mạng nên đã tự chuốc vào mình những hậu quả đáng tiếc. 

Có thể thấy rằng, những người tự tìm cách chữa bệnh tại nhà như trên phần lớn là do tâm lý ngại đến phòng khám đông người, tiền khám quá đắt hay quy trình khám bệnh rắc rối, rườm rà nên đành tìm đến gặp “bác sĩ Google” để tự điều trị. 

Tuy nhiên, chất lượng và độ tin cậy của các trang Website mà họ tìm thấy trên Internet không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Có rất nhiều trang Website đưa thông tin sức khỏe mục đích để tăng lượt xem, chứ không có tính bảo đảm độ chính xác của thông tin. Thậm chí một số trang còn đưa thông tin không có nguồn gốc rõ ràng và chưa được kiểm chứng.

Theo bác sĩ Phạm Thị Việt Hương (Bệnh viện K Trung ương): Chúng ta chỉ nên tìm đọc những bài viết có đường dẫn đến bài nghiên cứu gốc, hoặc có trích dẫn từ các nghiên cứu lâm sàng về vấn đề được nhắc tới; các bài được viết bởi chuyên gia về chủ đề đó hoặc có trích dẫn từ chuyên gia. Đồng thời, người bệnh cần tìm kiếm thông tin trên các trang Website đáng tin cậy của Chính phủ như: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh và Viện Y tế quốc gia... để có thêm những kiến thức về sức khỏe. Tuyệt đối không được tùy tiện, chủ quan mua thuốc qua mạng mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Mặc dù chúng ta không thể phủ nhận được lợi ích từ lượng thông tin khổng lồ từ Internet, những thông tin đa chiều, kiến thức, kỹ năng đều được chia sẻ rộng rãi. Dẫu vậy, chúng ta cần phải thực sự tỉnh táo với những thông tin đó, lựa chọn những địa chỉ uy tín, rõ ràng để tìm hiểu, tham khảo. Đặc biệt, khi nghi ngờ hoặc có dấu hiệu bệnh tật phải đến các cơ sở y tế để thăm khám chứ không tùy tiện tin tưởng vào các thông tin trên Internet.