Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Hiểm họa từ những “thần tượng” giang hồ

Hồng Phúc - 15:48, 29/05/2020

Giang Rồng, Dũng Trọc, Huấn Hoa Hồng, Khánh Sky… là những cái tên quen thuộc với giới trẻ trên mạng xã hội. Với ngôn ngữ, kiểu hành xử xã hội đen, những “thần tượng” kiểu này thu hút hàng triệu người theo dõi, hiện tượng này trở thành mối nguy hại khôn lường với thanh thiếu niên.

Video Huấn Hoa Hồng giới thiệu bán sách thu hút hơn 500 nghìn lượt xem trên mạng xã hội
Video Huấn Hoa Hồng giới thiệu bán sách thu hút hơn 500 nghìn lượt xem trên mạng xã hội

Gần đây, trên các trang mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Instagram, Twitter… xuất hiện nhiều phim Video về những tay “anh chị” giang hồ nhưng lại được nhiều bạn trẻ yêu thích. Đó là những bộ phim như: Bố già đường biên, Chạm mặt giang hồ, Dòng máu giang hồ… mà tay giang hồ vai chính, với những pha đánh đấm rẻ tiền, khoe cơ thể xăm trổ đầy mình với những nội dung như đòi nợ thuê, thách đấu với nhau nhằm câu View. Trên mạng sống “ảo”, tỏ vẻ đạo đức, ga lăng, “chơi đẹp”... nhưng ngoài đời, những đối tượng này lại là tội phạm, hoạt động theo kiểu xã hội đen. Trước khi bị bắt, các đối tượng này thường lên mạng giảng đạo đức và đi làm từ thiện, có kẻ còn khoác áo doanh nhân.

Thậm chí, “giang hồ mạng” Huấn Hoa Hồng còn xuất bản hai cuốn sách mới gần đây là “Đệ nhất kiếm tiền” và “Bí kíp kinh doanh Online” mà khi cơ quan chức năng kiểm tra thì đều là những ấn phẩm không được cấp phép xuất bản. 

Thật không khó để nhận ra ảnh hưởng xấu của những nhân vật thế này đến giới trẻ, đặc biệt là tới thanh thiếu nhi, khi hiện nay, việc sở hữu điện thoại thông minh khiến việc tiếp cận với những loại văn hóa này dễ dàng hơn bao giờ hết. Chưa có một thống kê, nghiên cứu cụ thể nào đối với hiện tượng này. Nhưng bằng quan sát, trong những chuyến công tác miền núi, nông thôn, vùng đồng bào DTTS, chúng tôi nhận thấy trẻ em ở đây cũng “hâm mộ” những nhân vật giang hồ mạng không kém gì trẻ em thành phố. Với nhận thức non nớt, thật khó tưởng tượng ra hậu quả trước mắt và lâu dài cho những đứa trẻ này.

Không khó để lý giải vì sao những thần tượng này có đất sống trong giới trẻ. Họ mang đến thứ cảm xúc mới lạ từ những “vùng tối” - cuộc sống của xã hội đen, thế giới luôn khiến những đứa trẻ mới lớn tò mò, thích thú. Khi mà trình độ nhận thức còn hạn chế bởi tuổi đời, chưa biết xử lý, phân tích, gạn lọc thông tin trẻ em có thể bị “đầu độc”. Nhiều chuyên gia tâm lý học cho rằng, việc tiếp nhận những thứ độc hại như vậy cổ súy những hành động điên rồ, thậm chí vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên. Về lâu dài, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý khiến các em phát triển lệch lạc về nhân cách. 

Việc ngăn cấm trẻ em với những hành vi lệch chuẩn này là điều không thể, bởi hiện tượng này đang được “gieo cấy”, “nhân bản” rất nhanh trên mạng xã hội. Việc mà chúng ta cần phải làm là giúp thanh, thiếu niên có sức đề kháng với những thứ lệch chuẩn đó. Để làm được điều này, cần tạo ra những sân chơi lành mạnh cho trẻ em cả trên mạng lẫn ngoài đời thực. Giáo dục là yếu tố được đưa lên hàng đầu để định hướng cho giới trẻ thang đạo đức, chuẩn mực xã hội, để chúng “không bị lạc đường”. 

Các cơ quan chức năng, báo chí cần vào cuộc để tuyên truyền, cơ quan an ninh mạng thắt chặt kiểm duyệt các văn hóa phẩm lệch chuẩn trên mạng cũng góp phần lớn vào việc thay đổi nhận thức của người trẻ nhằm tránh xa những mối nguy hại đối với sự phát triển nhân cách của họ.