Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

“Căng mình” phòng chống buôn lậu trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19

Hoàng Phúc - 19:59, 12/08/2021

Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới được phát hiện giảm so với năm trước, nhưng tính chất vụ việc có chiều hướng phức tạp hơn. Đặc biệt là tội phạm liên quan đến ma túy, với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm che mắt lực lượng cơ quan chức năng.

Lô hàng cấm, vi phạm quy định phòng dịch của Công ty TNHH Ngọc Diệp được Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) phát hiện, bắt giữ.
Lô hàng cấm, vi phạm quy định phòng dịch của Công ty TNHH Ngọc Diệp được Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) phát hiện, bắt giữ.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, nếu như các năm trước, tình trạng buôn lậu thường nhỏ lẻ, thì hiện nay, hàng lậu được các đối tượng tuồn vào nội địa với số lượng lớn. Cơ quan Hải quan đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên ngành bắt giữ nhiều vụ việc, qua đó phát hiện nhiều thủ đoạn tinh vi.

Đơn cử như vụ việc: Công ty TNHH Ngọc Diệp (địa chỉ tại TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) buôn lậu gần 6 tấn găng tay đã qua sử dụng, có xuất xứ từ Trung Quốc. Cụ thể, đầu tháng 3/2021, lô hàng này được Công ty TNHH Ngọc Diệp kê khai là găng tay mới 100% để phục vụ công nhân trong các nhà máy.

Nhưng qua qua công tác hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) xác định, lô hàng này đều là găng tay đã qua sử dụng. Hành vi này của Công ty TNHH Ngọc Diệp không chỉ có dấu hiệu phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” (được quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự), có tình tiết tăng nặng định khung là “Buôn bán qua biên giới”, mà còn vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh Covid - 19. Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “buôn bán hàng cấm” đối với doanh nghiệp này.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ 15/12/2020 đến 15/5/2021, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số gần 4.500 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.000 tỷ đồng. Qua công tác hải quan, toàn ngành đã thu nộp ngân sách hơn 82 tỷ đồng; khởi tố 09 vụ và chuyển cơ quan khác khởi tố 38 vụ.

Còn tính từ ngày 16/6 đến ngày 15/7/2021, toàn ngành đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.217 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 99 tỷ 536 triệu đồng, với số thu ngân sách đạt 23 tỷ 581 triệu đồng. Cơ quan Hải quan khởi tố 3 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 4 vụ.

Nhiều loại ma túy mới

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Tài chính (ngày 16/7/2021), Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới không có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Các đối tượng buôn lậu ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh hơn.

“Đơn cử như hàng tạm nhập, tái xuất, các đối tượng rất manh động, cắt seal hải quan, tháo lắp container. Hiện nay, cơ quan Hải quan đang tiến hành điều tra, phối hợp với công an xác minh bắt giữ 73 container hàng tạm nhập tái xuất nhưng đã bị rút ruột, vẫn còn nguyên chì, cắm điện, giả vờ hàng đông lạnh vẫn còn trong đó”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn dẫn chứng.

Thủ đoạn vận chuyền ma túy ngày càng tinh vi. (Trong ảnh: Ma túy được các đối tượng ngụy trang trong các lọ thực phẩm chức năng, thuốc gửi chuyển phát nhanh qua đường hàng không về Việt Nam)
Thủ đoạn vận chuyền ma túy ngày càng tinh vi. (Trong ảnh: Ma túy được các đối tượng ngụy trang trong các lọ thực phẩm chức năng, thuốc gửi chuyển phát nhanh qua đường hàng không về Việt Nam)

Đặc biệt, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, trong những tháng đầu năm, tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy qua các đường hàng không, chuyển phát nhanh và đường bưu điện từ các nước châu Âu về Việt Nam ngày càng tinh vi. Các đối tượng này hoạt động táo bạo, liều lĩnh trên tuyến hàng không, chuyển phát nhanh, bưu điện, trong đó thủ đoạn tuy không mới, nhưng phương thức cất giấu rất tinh vi.

Trong các vụ án gần đây, khối lượng lớn ma túy được cất giấu lẫn trong hàng hóa như: Tân dược, sữa, thực phẩm chức năng, dầu gội, sữa tắm, đồ chơi trẻ em, thức ăn cho chó mèo... được đóng gói tinh vi thành các kiện hàng hóa ghi tên người nhận, địa chỉ và số điện thoại “ảo”, làm lực lượng chức năng khó phát hiện hoặc nếu phát hiện cũng trong tình trạng vô chủ. Cá biệt có trường hợp giữ được người nhận hàng, nhưng không làm rõ được hành vi phạm tội và đối tượng chủ mưu.

Đáng chú ý là, cơ quan chức năng vừa mới phát hiện 8 chất ma túy mới, lần đầu phát hiện tại Việt Nam, chưa có tên trong danh mục Nghị định 60/2020/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành. Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), vừa có văn bản cảnh báo đối với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục và các Cục Hải quan địa phương về 8 chất ma túy mới này

Theo Cục Điều tra Chống buôn lậu, dù chưa có trong danh mục chất ma túy tại Việt Nam, nhưng cả 8 chất trên đều có tác dụng tương tự các chất ma túy và đã được một số nước trên thế giới đưa vào danh mục kiểm soát ma túy. Đây là thủ đoạn lợi dụng để vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép các chất ma túy mới, chưa có trong danh mục chất ma túy tại Việt Nam, gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống ma túy.

Từ năm 2015 đến hết năm 2020, cơ quan Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng khác phát hiện, bắt giữ 99.686 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 10.913 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước trên 2.055 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng khác khởi tố 295 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 717 vụ.

Tin cùng chuyên mục
Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các huyện biên giới Thanh Hóa đang đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Nhân dân, tập trung hướng về các thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vùng DTTS.