Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn khi làm đẹp bằng máu tự thân

PV - 09:50, 23/11/2020

Sử dụng máu tự thân để làm đẹp tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn cấp và mạn tính trên da. Đặc biệt, phương pháp sử dụng máu nên nếu không thực hiện theo quy trình bảo đảm vô khuẩn chặt chẽ thì có nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn và lây truyền các bệnh như HIV, viêm gan C, viêm gan B.

ThS, BSCK2 Nguyễn Quang Minh khám cho bệnh nhân.
ThS, BSCK2 Nguyễn Quang Minh khám cho bệnh nhân.

Thời gian qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận không ít bệnh nhân phải đến điều trị sau khi làm đẹp bằng phương pháp sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) hay còn gọi là làm đẹp bằng máu tự thân.

ThS. BSCK2 Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ tế bào gốc thuộc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, đặc điểm chung của các bệnh nhân này là tình trạng nhiễm khuẩn cấp và mạn tính trên da. Một số trường hợp đến muộn dẫn tới hình thành các "nốt sẩn, nang" trên da mặt, dẫn đến phải điều trị kéo dài, khó khăn. Với những tổn thương này, để hồi phục phải mất ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm.

Các bệnh nhân cho biết, họ hầu hết đều làm tại các thẩm mỹ viện không được phép thực hiện các thủ thuật y khoa cũng như liệu pháp PRP.

Bác sĩ Nguyễn Quang Minh cho hay, PRP là phương pháp đã được ứng dụng từ lâu trong ngành y như phẫu thuật tim mạch, răng hàm mặt, cơ xương khớp… Ưu điểm của phương pháp này được nghiên cứu chứng minh là có khả năng hỗ trợ, làm lành nhanh vết thương, giảm nhanh viêm cấp và mạn tính.

Trong lĩnh vực thẩm mỹ, làm đẹp da, PRP cũng được sử dụng để làm lành vết thương sau điều trị sẹo lõm, tái tạo bề mặt và trẻ hóa da cấy túi ngực, cấy mỡ… Ngoài ra, được ứng dụng điều trị rụng tóc ở một số thể nhất định.

"Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, phương pháp PRP được triển khai từ năm 2016 và đã được Bộ Y tế phê duyệt các quy trình và chỉ định điều trị. Tuy nhiên, việc chỉ định bệnh nhân dùng phương pháp này phải rất chặt chẽ, do phương pháp này đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và đòi hỏi yếu tố chuyên môn cao. Các đơn vị được phép thực hiện kỹ thuật này phải được Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh cho phép ở một số bệnh viện và phòng khám nhất định theo đúng các tiêu chuẩn quy định", Bác sĩ Minh cho biết.

Cũng theo Bác sĩ  Minh, việc sử dụng máu tự thân có một yếu tố thuận lợi là rất ít xảy ra phản ứng dị ứng cho cơ thể, nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khác, bởi đây là một kỹ thuật điều trị có xâm lấn vào trong cấu trúc da. Đặc biệt, PRP sử dụng máu nên nếu không thực hiện theo quy trình bảo đảm vô khuẩn chặt chẽ thì có nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn và lây truyền các bệnh như HIV, viêm gan C, viêm gan B…

Bên cạnh đó, hồng cầu và các thành phần hữu hình khác trong máu có "ái tính" cao với vi khuẩn, nên nếu để phần huyết tương lẫn hồng cầu sẽ rất dễ gây ra phản ứng, viêm nhiễm.

Ngoài ra, kỹ thuật tách chiết huyết tương giàu tiểu cầu từ máu lấy ra của bệnh nhân/khách hàng cũng yêu cầu sự tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối. Theo đó, người thực hiện phải đánh giá chất lượng tế bào máu, làm công thức máu.

Sau sàng lọc thêm các bệnh ký truyền nhiễm, bác sĩ lấy từ 20 - 30ml máu của bệnh nhân bằng kim lớn rồi đưa vào máy ly tâm chuyên dụng để có được dung dịch huyết tương chứa khối lượng tiểu cầu nhiều gấp 3 - 8 lần máu bình thường (máu bình thường có 150.000 - 400.000 tiểu cầu/ml).

Kỹ thuật viên sẽ tách tiểu cầu khỏi bạch cầu, hồng cầu và kết hợp với tế bào huyết tương từ phần máu này. Sau đó, số lượng tiểu cầu được đánh giá lần thứ hai để xác định có đủ khoảng trên 1 triệu đơn vị hay không. Nếu huyết tương không đủ "giàu tiểu cầu" thì mất ý nghĩa khi sử dụng.

Khi sử dụng, huyết tương này có thể được kết hợp một số thành phần khác như các Vitamin, yếu tố tăng trưởng tế bào khác... và được đưa vào các vùng cơ thể với độ nông sâu khác nhau tùy theo yêu cầu điều trị bằng các dụng cụ như kim chích, kim lăn (roller) hay cây bút kim.

Tin cùng chuyên mục
20.000 bác sĩ trẻ tham gia Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác

20.000 bác sĩ trẻ tham gia Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác

Ngày 18/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam tổ chức lễ ra quân Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024, với chủ đề "Thầy thuốc trẻ tình nguyện vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn".