Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Cảnh giác nguy cơ bùng phát dịch bệnh dịp Tết

D.Ngân - 15:20, 03/12/2019

Thời gian gần đây, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tưởng như đã được khống chế lại đang có xu hướng bùng phát trở lại như Whitmore, bạch hầu, ho gà… Bên cạnh đó, các dịch bệnh nguy hiểm khác như sốt xuất huyết, sởi, tay-chân-miệng cũng có nguy cơ bùng phát dịp cuối năm nếu công tác phòng dịch không được làm tốt.

Theo các chuyên gia y tế, tiêm vắc xin là biện pháp quan trọng để phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm
Theo các chuyên gia y tế, tiêm vắc xin là biện pháp quan trọng để phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm

Nguy cơ bùng phát dịch

Đơn cử như mới đây, 2 trường hợp xác định nhiễm vi khuẩn Whitmore đã tử vong ở huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội. Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân mắc vi khuẩn Whitmore gây tổn thương áp xe mũi. Một tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh cũng ghi nhận trường hợp mắc bệnh nguy hiểm này.

Mới đây, tại Đăk Lăk đã xuất hiện ổ dịch bạch hầu sau hơn chục năm không ghi nhận ca bệnh, khiến một trẻ bị tử vong, 3 ca có kết quả dương tính với bệnh bạch hầu và hơn 30 người nghi ngờ mắc bệnh được cách ly theo dõi tại các cơ sở điều trị. Tại Quảng Nam cũng đã từng rải rác ghi nhận ca bệnh bạch hầu và đã ngăn chặn kịp thời.

Đặc biệt, bệnh ho gà gần đây cũng ghi nhận rải rác ca bệnh tại các địa phương, nhiều ca bệnh nhập viện trong tình trạng đã biến chứng nặng.

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng trở lại. Ngoài ra, hiện tượng kháng thuốc cũng đã xuất hiện ở nhiều chủng vi khuẩn, ký sinh trùng, sốt rét.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, mùa đông -xuân và những tháng cuối năm là thời điểm dễ lây truyền các dịch bệnh truyền nhiễm như sởi, sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, cúm A/H7N9, Mers-CoV...

Phòng bệnh bằng vắc xin

Để làm tốt công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, với những bệnh đã có vắc xin, các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng.

Với các bệnh truyền nhiễm chưa có vắc xin như tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, Whitmore… để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nơi ở như phát quang bụi rậm, không để muỗi phát sinh; thường xuyên vệ sinh nhà ở, lau bề mặt vật dụng; thực hiện tốt ăn chín, uống sôi; sử dụng nhà vệ sinh đảm bảo; đảm bảo vệ sinh trong lao động, khi tiếp xúc với bùn đất.

Người dân cũng hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; hạn chế những nơi tụ tập đông người khi có dịch bệnh; khi phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần kịp thời đến các cơ sở y tế khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, TP đã thành lập đội phòng chống dịch cơ động. Theo đó, mỗi đội phòng, chống dịch cơ động đều có bác sĩ lâm sàng, bác sĩ dịch tễ, bác sỹ phòng, chống dịch, có lái xe thường trực, có các thiết bị, máy phun tiêu độc, khử trùng trên xe. Khi nhận được thông tin có ca bệnh truyền nhiễm, đội lập tức lên đường, tiếp cận và triển khai các biện pháp giám sát, khoanh vùng, điều tra xử lý tại cộng đồng.

Ngoài ra, TP còn thực hiện giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua sân bay Nội Bài, nhất là hành khách đến từ vùng có dịch bệnh. Cụ thể, bố trí máy đo thân nhiệt và lập phòng cách ly tại sân bay để sẵn sàng xử lý các tình huống nghi mắc bệnh.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong cả nước

Ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong cả nước

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong. Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.