Theo ghi nhận của phóng viên, trên tuyến đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ, đoạn qua thị trấn Kiến Đức, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đăk Nông) chạy dọc hai bên đường cây, cỏ héo úa, nhiều vị trí cỏ chết cháy vàng. Theo quan sát, vị trí cây, cỏ bị phun thuốc chết cháy từ mép bó vỉa đường vào bên trong vỉa hè khoảng 2m.
Theo một số hộ dân sinh sống hai bên đường Hồ Chí Minh cho hay, khoảng 1 tháng trước, họ nhìn thấy cán bộ của Đội Quản lý Đô thị Đăk R’lấp mang bình đi phun dọc hai bên đường. Vài ngày sau thì thấy cỏ héo úa rồi chết dần.
“Khi cơ quan chức năng mang bình phun đi, phun tới đâu thì mùi hôi khó chịu phát ra tới đó. Người dân cứ tưởng họ phun thuốc diệt muỗi chứ không ai nghĩ họ phun thuốc cỏ. Khi thấy cỏ chết mới biết đó là thuốc diệt cỏ khiến người dân rất lo lắng. Giữa thị trấn đông đúc mà phun thuốc diệt cỏ, vừa ô nhiễm, vừa mất mỹ quan đô thị. Không biết họ làm ăn kiểu gì nữa”, một hộ dân bức xúc.
Cùng chung “số phận”, tại tuyến đường N’Trang Lơng (thị xã Gia Nghĩa) thuốc diệt cỏ cũng được vô tư sử dụng để dọn vệ sinh tuyến đường này. Theo quan sát, chạy dọc hai bên tuyến đường và con lươn (đường 1 chiều) cây cỏ bị phun thuốc chết cháy khô.
Bà T. (ngụ thị xã Gia Nghĩa) cho biết: “Cách đây hơn 20 ngày, có hai người chở thuốc đi phun. Họ dùng xe ba gác chở một thùng phi to và 1 máy bơm rồi đi phun dọc hai bên đường. Lúc phun mùi rất nồng và khó chịu”
Theo tìm hiểu, tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua thị trấn Kiến Đức do Công ty CP Tập đoàn BOT Đức Long Đăk Nông quản lý. Tuy nhiên, đơn vị chỉ quản lý thực hiện việc duy tu bảo trì phần lòng đường, còn việc cây xanh, phát dọn vệ sinh cây cỏ và đèn chiếu sáng được giao cho UBND huyện Đăk R’lấp, cụ thể là Đội Quản lý đô thị quản lý.
Ông Nguyễn Đình Thạo, Đội phó Đội Quản lý đô thị huyện Đăk R’lấp phân trần: “Do thấy tuyến đường cỏ mọc um tùm làm xấu tuyến đường nên cho anh em mua chai thuốc về phun để làm sạch cỏ. Nhưng đó là thuốc diệt cỏ sinh học, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng không độc hại”.
Theo Cục Quản lý Đường bộ 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), việc phun thuốc cỏ thay cho phát cỏ đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản nghiêm cấm sử dụng. Còn việc đơn vị thi công nói “phun thuốc diệt cỏ sinh học” thì phải có văn bản chấp thuận của đơn vị có thẩm quyền chứ không phải muốn phun là được.
Trước thực tế nêu trên, rất cần cơ quan chức năng tỉnh Đăk Nông vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm khắc trách nhiệm các cá nhân, đơn vị vi phạm. Đồng thời, có các biện pháp khắc phục hậu quả tránh các hệ lụy đáng tiếc xảy ra.
Khi cơ quan chức năng mang bình phun đi, phun tới đâu thì mùi hôi khó chịu phát ra tới đó. Người dân cứ tưởng họ phun thuốc diệt muỗi chứ không ai nghĩ họ phun thuốc cỏ. Khi thấy cỏ chết mới biết đó là thuốc diệt cỏ khiến người dân rất lo lắng...”
Một hộ dân bức xúc.