Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Cảnh giác với chiêu trò khuyến mại để lừa đảo

PV - 11:09, 30/08/2019

Sử dụng phương thức giới thiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, lồng ghép với các chiêu trò khuyến mại, sau đó bán ra các sản phẩm kém chất lượng đang là cách thức được các nhóm đối tượng, tổ chức lừa đảo sử dụng để “móc túi” người dân vùng cao Điện Biên. Đáng lưu ý là ngoài sự nhẹ dạ, cả tin, ham hàng rẻ, ham đồ khuyến mại của đồng bào vùng cao thì còn có sự quản lý lỏng lẻo, thờ ơ của các cơ quan chức năng, chuyên môn.

Núp bóng hàng Việt để lừa đảo

“Trước khi mua hứa cho quà tặng, quà tặng bằng tiền. Mua 1 triệu đồng chẳng hạn thì trả lại 1 triệu đồng nhưng mà cái này cho không. Bảo thế thì ai cũng mua. Tôi mua một cái máy xay sinh tố là 1.350.000 đồng bảo là cứ mua khắc có quà tặng thì tôi mua. Xong rồi tôi còn mua một cái bếp gas 2.550.000 đồng. Mua xong rồi còn đi vay nợ các thứ mang về mua cơ mà, chứ có phải có tiền ở nhà đâu. Xong rồi nhảy lên xe đi hết, đi luôn không cho cái gì”!

Đó là những lời chia sẻ đầy ấm ức của người dân bản Cộng 2, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên khi vừa mất tiền oan cho một nhóm đối tượng lạ, để mang về những sản phẩm kém chất lượng nhưng lại có giá thành cao hơn nhiều lần so với giá của các sản phẩm cùng chủng loại trên

thị trường. Người ít thì vài trăm nghìn đồng, người nhiều thì từ vài triệu đến cả chục triệu đồng.

Hàng chục hộ dân tộc ở bản Cộng 2 bị lừa vài chục triệu đồng vì chiêu thức khuyến mại hàng Việt Nam chất lượng cao. Hàng chục hộ dân tộc ở bản Cộng 2 bị lừa vài chục triệu đồng vì chiêu thức khuyến mại hàng Việt Nam chất lượng cao.

Theo người dân ở đây cho biết, ban đầu, các đối tượng đến giới thiệu những mặt hàng có giá trị thấp, như: bóng điện, đèn pin, dao, chảo… và yêu cầu mỗi người đặt cọc 100.000 đồng cho một sản phẩm. Đến cuối buổi, khi người dân đã nhận vật phẩm ưng ý, các đối tượng lại hoàn trả toàn bộ số tiền đặt cọc trước đó với lý do “công ty đang triển khai chương trình khuyến mại nên chỉ tặng quà”. Kèm theo đó là những lời hứa hẹn ngày hôm sau sẽ còn nhiều sản phẩm khuyến mại giá trị hơn, hấp dẫn hơn.

Sau khi thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của người dân, các đối tượng này bắt đầu tung ra các sản phẩm có giá thành cao hơn và hứa hẹn sẽ làm với hình thức tương tự. Nhưng lần này, sau khi ôm trọn hàng chục triệu đồng của những người dân nhẹ dạ, các đối tượng ngay sau đó đã lên xe bỏ trốn. Nhận ra bị lừa, tiếc tiền, nhiều người đã cố gắng liên lạc qua số điện thoại của công ty được in trên giấy mời, tuy nhiên các số máy này đều thông báo không đúng hoặc không nhấc máy.

Lỗ hổng trong quản lý

Ông Tòng Văn Huyên, Trưởng bản Cộng 2, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo bức xúc cho biết: Bản Cộng 2 có 81 hộ thì trong đó 76 hộ đã tham gia và bị lừa. việc các đối tượng này có thể dễ dàng lừa được người dân, đó là vì đã thông qua người đứng đầu địa phương là Chủ tịch UBND xã để tạo lòng tin, rồi từ đó tổ chức các hội nghị giới thiệu sản phẩm với những lời mời chào hấp dẫn, như: “tri ân khách hàng”, “đến chỉ nhận quà chứ không mất tiền”, “hàng Việt Nam chất lượng cao khuyến mại mua 1, tặng 1”...

Liên quan đến nội dung này, ông Quàng Văn Sung, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ðông, huyện Tuần Giáo cho biết: lý do chính quyền xã giới thiệu nhóm đối tượng này đến giới thiệu hàng Việt tại các bản là vì dưới góc giấy giới thiệu của Công ty KYOTO còn có xác nhận của Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Tuần Giáo nên hoàn toàn tin tưởng.

Trình bày về nội dung này, ông Lê Văn Hà Trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Tuần Giáo cho rằng: lý do đơn vị xác nhận giấy giới thiệu cho các đối tượng này để tổ chức hoạt động quảng bá, bán hàng trên địa bàn là vì qua kiểm tra thấy hồ sơ của công ty này đều đầy đủ, bao gồm giấy đăng ký kinh doanh, thông báo các sản phẩm thực hiện khuyến mại… Thậm chí trước đó công ty này cũng đã có thông báo thực hiện khuyến mại gửi Sở Công thương Điện Biên để đề xuất hoạt động theo chương trình xúc tiến hàng Việt.

Tương tự, tại buổi làm việc với Ðội Quản lý thị trường số 2 huyện Tuần Giáo, ông Trần Chí Cương Đội trưởng cho rằng: Qua kiểm tra hồ sơ, giấy tờ, thì Công ty KYOTO có đầy đủ cơ sở pháp lý có thể làm căn cứ cho các hoạt động khuyến mại, giới thiệu và bán hàng của Công ty KYOTO tại địa phương. Còn giá cả như thế nào thì cái đấy chúng tôi cũng không thể quản lý trực tiếp được...

Thế nhưng, tại buổi làm việc với Sở Công thương tỉnh Điện Biên, ông Vũ Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh rằng đây là hình thức lợi dụng vỏ bọc khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận. Phía Công ty KYOTO chỉ đơn phương gửi thông báo đến Sở Công thương Điện Biên thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại trên địa bàn chứ về phía Sở chưa có bất cứ văn bản hay xác nhận nào chấp thuận cho việc làm trên. Đây là lỗ hổng mà các doanh nghiệp đang lợi dụng việc thực hiện Nghị định 81 của Chính phủ quy định về hoạt động khuyến mại để thực hiện các chiêu trò lừa đảo.

VŨ LỢI

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.