Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Cao Bằng: Đưa công nghệ mới vào đồng ruộng, giúp nông dân vùng cao tăng thu nhập

Minh Nhật - 17:29, 28/03/2025

Nhiều năm qua, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) đã có những bước tiến lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế, từ đó cải thiện đời sống cho người dân. Một trong những tín hiệu tích cực tạo sự khác biệt là sự kết hợp đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của các Hợp tác xã (HTX).

Hà Quảng đang đẩy mạnh chuyển đổi nông nghiệp theo hướng công nghệ cao
Hà Quảng đang đẩy mạnh chuyển đổi nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

Cơ cấu cây trồng của huyện Hà Quảng trước đây chủ yếu tập trung vào các loại cây trồng truyền thống như lúa, ngô, khoai, sắn. Tuy nhiên, những cây trồng này không mang lại hiệu quả kinh tế cao và phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết, đất đai.

Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và cải thiện đời sống người dân, huyện Hà Quảng đã quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao, thích hợp với điều kiện khí hậu và đất đai của vùng.

Trong quá trình chuyển đổi, huyện Hà Quảng đã khuyến khích nông dân chuyển sang trồng các loại cây như cây dược liệu (sâm Ngọc Linh, cây hồi, đinh lăng), cây ăn quả (bơ, mận, táo), cây công nghiệp (chè, cà phê), và các loại cây trồng khác có thị trường tiêu thụ ổn định. Những cây trồng này không chỉ phù hợp với điều kiện tự nhiên mà còn có giá trị kinh tế cao, giúp nông dân gia tăng thu nhập.

Để hỗ trợ các thành viên, hộ liên kết, nhiều HTX tiêu biểu tại Hà Quảng đã triển khai thành công mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, kết hợp giữa việc áp dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường.

Điển hình như HTX sản xuất chè xã Vân Trình, nơi nông dân đã chuyển từ sản xuất chè truyền thống sang ứng dụng các kỹ thuật mới như chè sạch, chè hữu cơ. Nhờ đó, sản phẩm chè của HTX không chỉ có giá trị cao hơn mà còn dễ dàng tiếp cận được thị trường xuất khẩu.

HTX Dược liệu Hà Quảng là một ví dụ khác, khi tận dụng lợi thế tự nhiên của huyện để phát triển cây dược liệu. HTX đã triển khai các mô hình trồng sâm Ngọc Linh, cây đinh lăng, và các loại thảo dược khác, giúp tăng thu nhập cho nông dân và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ dân địa phương.

Các HTX được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, quản lý và xây dựng chiến lược phát triển dài hạn. Một trong những chương trình tiêu biểu là việc hỗ trợ thành lập các HTX mới và củng cố các HTX hiện có, đặc biệt là những HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu, và chế biến sản phẩm nông sản.

Khi quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng để chuyển đổi hơn 1.000m2 đất trồng cây lương thực sang trồng dưa theo hướng công nghệ cao, bản thân chị Đàm Thị Thảo, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp xã Trường Hà, không ngờ thành công lại đến sớm với gia đình mình như thế.

Chị Thảo chia sẻ, trước năm 2022, toàn bộ diện tích đất của gia đình chị trồng các loại cây lương thực như lúa, ngô, sắn. Vì phương thức sản xuất lạc hậu, năng suất, chất lượng không cao, thị trường bấp bênh nên hiệu quả kinh tế ở mức rất thấp. Sau thời gian tìm hiểu, được sự hỗ trợ từ Tổ hợp tác và cán bộ nông nghiệp địa phương, chị Thảo đã mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng nhà lưới, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, chuyển đổi sang trồng các loại dưa chất lượng cao, như dưa lưới, dưa hấu, dưa chuột, dưa lê…

Sự chủ động trong đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng hiệu quả khoa học, kỹ thuật mới giúp chị Thảo nhanh chóng gặt hái thành công. Đến nay, trang trại xanh mang tên Pác Pó Farm của chị đang triển khai gối vụ hơn 4.000 cây dưa các loại.

Nhờ trồng trong nhà lưới, cây dưa phát triển ổn định, giảm sự phụ thuộc vào thời tiết cực đoan, đặc biệt hạn chế các loại sâu bệnh, côn trùng gây hại, giúp chị Thảo tiết kiệm 15 - 40% các loại chi phí đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…), đồng thời năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên đáng kể.

Sau gần 2 năm đưa vào triển khai, hiện trang trại Pác Pó Farm đã cho thu hoạch vụ thứ 5, sản lượng bình quân 3-5 tấn dưa các loại, doanh thu đạt trên dưới 100 triệu đồng/năm.

“Chỉ sau một năm, chúng tôi đã bắt đầu có lãi, vốn xoay vòng để đảm bảo sản xuất”, chị Thảo phấn khởi nói.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao, thành viên HTX, nông dân ở Hà Quảng nâng cao thu nhập
Nhờ ứng dụng công nghệ cao, thành viên HTX, nông dân ở Hà Quảng nâng cao thu nhập

Theo thông tin từ UBND huyện Hà Quảng, nhiều năm trở lại đây, huyện đã phát triển các mô hình điểm như trồng gừng trâu sản xuất theo hướng hữu cơ 111,7ha, cây ớt hữu cơ 5ha, lạc hàng hóa 872,8ha, thuốc lá 971,6ha…

Đặc biệt, xác định ứng dụng dụng khoa học công nghệ là then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp huyện tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng thuốc lá chất lượng cao, trồng gừng hữu cơ, ớt hữu cơ, trồng lạc L14.

Huyện cũng tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn triển khai các nhiệm vụ khoa học, các mô hình thử nghiệm về cây trồng, vật nuôi thực hiện theo quy trình kỹ thuật thông minh như: mô hình nuôi cá nheo Mỹ, nuôi cá tầm tại xã Trường Hà; mô hình trồng dưa trong nhà lưới tại xã Đa Thông...

Có thể nói, việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo chuỗi giá trị, với sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, đã và đang mang lại hiệu quả tích cực trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững trên địa bàn huyện.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ninh: Hỗ trợ các hợp tác xã phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện

Quảng Ninh: Hỗ trợ các hợp tác xã phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện

Với nhiều giải pháp đồng bộ, tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế tập thể, đặc biệt là các hợp tác xã (HTX). Những nỗ lực này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện.