Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Cấp gạo cứu đói mùa giáp hạt: Chỉ là giải pháp tạm thời

PV - 10:07, 08/03/2019

Vào tháng 3 hằng năm, khi lúa trên những thửa ruộng mới gieo cấy thì nhiều địa bàn khu vực miền núi lại bước vào kỳ giáp hạt, đi kèm với nỗi lo thiếu đói của nhiều gia đình nghèo. Chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ vào dịp giáp hạt phần nào giúp bà con ổn định cuộc sống, nhưng dù sao cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Lo mùa giáp hạt

Trong dịp Tết Kỷ Hợi, công tác an sinh xã hội đã được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh phí hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết vừa qua khoảng 2.347 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã vận động được 1.052 tỷ đồng với 3.297 nghìn suất quà trao cho các hộ nghèo ăn Tết.

Sau Tết, để kịp thời vụ, bà con nông dân đã xuống đồng gieo cấy vụ Xuân 2019. Nhưng để thu hoạch thì cũng phải chờ mấy tháng nữa. Cũng chừng ấy thời gian, nhiều gia đình nghèo ở vùng khó khăn lại đối diện một kỳ giáp hạt với nỗi lo thiếu đói đầy ám ảnh.

Cấp gạo cứu đói giáp hạt giúp bà con phần nào vơi đi khó khăn. Cấp gạo cứu đói giáp hạt giúp bà con phần nào vơi đi khó khăn.

Gia đình ông Giàng Chẩn Dìn, thôn Ma Ngán A, xã Lùng Khấu Nhin (Mường Khương, Lào Cai) là một ví dụ. Là hộ nghèo, nhà có 8 nhân khẩu nên năm nào gia đình ông cũng nằm trong danh sách nhận gạo hỗ trợ dịp Tết. Bình quân mỗi nhân khẩu được hỗ trợ 15kg, vị chi dịp này nhà ông được gần 120kg gạo. Nhưng chừng đó cũng chỉ đủ ăn cho gia đình đến ngày Rằm tháng Giêng, sau đó là những ngày đằng đẵng nỗi lo cơm áo.

Nỗi lo của ông Dìn cũng như hàng nghìn hộ nghèo khác là một thực tế. Bởi sau Tết Kỷ Hợi, số hộ thiếu đói đã tăng đột biến. Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 1/2019, nhờ việc cấp phát gạo cứu đói trước và trong Tết kịp thời nên cả nước chỉ có khoảng 5,6 nghìn hộ thiếu đói. Nhưng sau Tết, tính đến hết tháng 2/2019, cả nước có đến 21,2 nghìn hộ, với 78,7 nghìn nhân khẩu thiếu đói. Tính chung cả hai tháng đầu năm 2019, cả nước có đến 26,8 nghìn hộ thiếu đói; tương ứng với 98,3 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói.

Trước đó, năm 2018, trong 2 tháng đầu năm cả nước có 40,1 nghìn hộ, với 149 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói. Tính chung ba tháng đầu năm 2018, cả nước có 46,2 nghìn hộ thiếu đói. Như vậy, chỉ trong tháng 3/2018, cả nước có thêm gần 6 nghìn hộ thiếu đói.

Các địa phương miền núi phía Bắc vẫn “dẫn đầu” về số hộ thiếu đói. Sau Tết Nguyên đán 2019, tỉnh Hà Giang có hơn 4,9 nghìn hộ, với 20,1 nghìn nhân khẩu thiếu đói; Yên Bái 3,5 nghìn hộ, với 12,2 nghìn nhân khẩu; Sơn La 2,7 nghìn hộ với 10 nghìn nhân khẩu,… Trước đó, trong 2 tháng đầu năm 2018, Hà Giang có hơn 5,2 nghìn hộ, với 22,7 nghìn nhân khẩu thiếu đói; Yên Bái có hơn 8,2 nghìn hộ, với trên 27,6 nghìn nhân khẩu thiếu đói...

Chỉ là tạm thời

Thực tế, năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán là lúc đồng bào vùng cao ở nhiều địa phương lại phải đối mặt với nỗi lo mùa giáp hạt. Vì thế, trước mùa giáp hạt đầu năm, Chính phủ đều xuất cấp gạo dự trữ để hỗ trợ giúp bà con vơi đi gánh nặng lo toan trong “tháng ba, ngày tám”…

Năm 2019, ngoài số gạo được xuất cấp cho người dân trước và trong Tết thì Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) cũng đã xuất cấp hơn 4.400 tấn gạo để hỗ trợ cứu đói cho 9 tỉnh trong thời gian giáp hạt; bao gồm: Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Bình Định, Đăk Nông, Đăk Lăk, Sóc Trăng và Gia Lai. Ngoài ra, riêng tỉnh Bắc Kạn được xuất cấp hơn 70 tấn gạo để hỗ trợ thiệt hại do bệnh lùn sọc đen hại lúa.

Những hạt gạo dự trữ được xuất cấp gói gém tình cảm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bà con ở vùng khó khăn. Bởi khi lúa, ngô trong bồ đã cạn mà lúa ngoài đồng còn xanh, không ít gia đình, nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK phải trải qua những bữa cơm độn khoai, sắn, thậm chí là đứt bữa. Được hỗ trợ 15kg gạo/tháng/nhân khẩu trong mùa giáp hạt đầu năm phần nào giúp nhiều gia đình vơi bớt khó khăn.

Gia đình anh Hoàng Văn Sùng ở tại thôn Khuổi Tèn, thị trấn Nà Ngần (Hà Quảng, Cao Bằng) là một ví dụ. Nhà tôi có mấy mảnh ruộng ở bìa rừng và một sườn đồi trồng ngô, nhưng năm 2018 bị lũ ống, sạt lở không trồng được cây gì.

“Nhà có 9 người, lần này được nhận 135kg gạo, vui lắm! Mình còn được hỗ trợ giống lúa, ngô để gieo vụ Xuân. Số gạo này đủ để nhà mình có cơm trắng ăn đến khi lúa, ngô thu hoạch”, anh Sùng cho biết.

Niềm vui của anh Sùng cũng là tâm trạng chung của những hộ nghèo được nhận gạo hỗ trợ trước mùa giáp hạt, cho thấy tính nhân văn sâu sắc của chính sách hỗ trợ này. Tuy nhiên, cũng cần phải xác định việc hỗ trợ gạo cứu đói chỉ mang tính tạm thời. Về lâu dài, để giúp các hộ nghèo không bị thiếu đói trong mùa giáp hạt luôn cần sự chung tay, vào cuộc của chính quyền địa phương, của các tầng lớp Nhân dân và đặc biệt là của chính các hộ thiếu đói, phát huy mọi nguồn lực, có các cơ chế, chính sách ưu tiên cho hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.