Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Chế tạo thành công cánh tay robot giá rẻ

PV - 11:23, 23/07/2019

Tác giả của sáng chế này là anh Ngô Văn Dết (24 tuổi), cựu sinh viên khoa Kỹ thuật Công nghệ, Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) nhằm hỗ trợ thương binh và nạn nhân tai nạn giao thông bị mất các chi.

Ông Phan Văn Hào, thương binh 1/4, ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi từng tham gia kháng chiến ở chiến trường Bình Trị Thiên năm 1975. Trong chiến đấu, ông bị thương nặng, tỷ lệ thương tật đến 92%, mất đi cả 2 cánh tay. Ông chia sẻ, lúc trước, nhiều việc cần sử dụng đến hai tay ông không thể tự làm mà phải nhờ người nhà hỗ trợ, khi được sử dụng sản phẩm cánh tay robot của anh Dết, ông có thể cầm nắm một số vật dụng dễ dàng.

Để sản xuất ra robot này, anh Dết đã mất 8 tháng để mày mò, chế tạo. Quá trình tháo đi lắp lại và thử nghiệm bàn tay robot đầu tiên ngốn của anh Dết 6 triệu đồng tiền túi khi còn là sinh viên. Đến bàn tay thứ hai, khi quy trình kỹ thuật đã trơn tru, chi phí giảm xuống chỉ còn 3 triệu đồng, thấp hơn nhiều lần so với các sản phẩm trên thế giới, có giá bán hàng chục nghìn đô la.

Anh Ngô Văn Dết thử nghiệm bàn tay robot với người khuyết tật. Anh Ngô Văn Dết thử nghiệm bàn tay robot với người khuyết tật.

“Nước ta có hàng trăm nghìn người bị thương tật, khuyết tật như thương binh, nạn nhân tai nạn giao thông. Phần lớn họ đều có thu nhập thấp, không thể tiếp cận được các bàn tay robot hỗ trợ của nước ngoài. Đây chính là động lực để tôi nghiên cứu làm ra sản phẩm này”, anh Dết chia sẻ.

Ban đầu, việc chế tạo gặp nhiều trở ngại khi sử dụng cảm biến cơ vì các ngón tay robot không thể nắm giữ được đồ vật như ý muốn. Anh Dết đã sử dụng nhựa in 3D, làm khung cánh tay và bàn tay, điều khiển bằng bo mạch vi xử lý arduino và động cơ servo kết hợp cảm biến áp suất.

Công nghệ scan 3D scan bàn tay thật của người khuyết tật, anh Dết đã chép mẫu quét bàn tay trái để làm cơ sở dữ liệu thiết kế bàn tay phải. Sau khi thu hình ảnh bàn tay, ngón cái sẽ được tách riêng để thiết kế lại cho phù hợp với chức năng đóng mở, các ngón tay sẽ được chia làm hai đốt, sau đó lắp ghép lại để tạo thành các chuyển động. Lòng bàn tay sẽ có 5 khớp để kết nối với 5 ngón tay.

Anh Dết cho biết, phần công phu nhất của bộ khung là ống tay. Đây là phần nối bàn tay robot với bắp tay còn lại của người khuyết tật nên đòi hỏi độ chính xác cao, tùy vào mỗi người mà thiết kế ống tay to hay nhỏ, dài hay ngắn.

Theo đó, cảm biến áp suất được lắp vào bắp tay của người khuyết tật. Khi người khuyết tật tác dụng lực vào cảm biến, tín hiệu sẽ được truyền đến bo vi mạch và động cơ sẽ kéo dây để các ngón nắm lại. Tùy vào độ to nhỏ của vật mà người sử dụng tác động lực phù hợp để có thể cầm nắm.

“Để bàn tay mô phỏng được các cử động cầm nắm, co duỗi, em sử dụng các chốt nhựa dẻo đàn hồi để kết nối các đốt ngón với bàn tay. Người dùng có thể dễ dàng sạc pin để sử dụng sản phẩm”, anh Dết cho biết thêm.

Đây là một trợ thủ đắc lực cho những người khuyết tật trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày khi có thể giúp họ thao tác nhịp nhàng, úp ngửa, co duỗi ngón tay cẳng tay, cầm nắm những đồ vật nặng.

Sáng kiến cánh tay robot tuy không mới, nhưng mang nhiều ý nghĩa nhân văn đối với người khuyết tật, thương bệnh binh, bởi chi phí đã được tối ưu hoá đến mức thấp nhất. “Tôi nghĩ khoa học bắt đầu từ con người, và bây giờ quay trở lại để phục vụ con người”, anh Dết nói.

HỒNG PHÚC

Tin cùng chuyên mục
Nhật Bản trồng cỏ biển để thu giữ carbon giúp phòng, chống biến đổi khí hậu

Nhật Bản trồng cỏ biển để thu giữ carbon giúp phòng, chống biến đổi khí hậu

Nhằm giúp chống biến đổi khí hậu khi Nhật Bản đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Nhật Bản đã triển khai dự án khôi phục hệ sinh thái tự nhiên dọc bờ biển của thành phố cảng Yokohama, phía Nam Tokyo, bằng cách trồng rong lươn - loại cỏ biển màu xanh nhạt.