Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chia sẻ cơ hội giao thương từ mạng lưới OCOP toàn cầu

PV - 09:52, 10/05/2019

Mạng lưới OCOP toàn cầu không chỉ mang tới cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển phong trào Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho Việt Nam và các quốc gia thành viên, mà còn tạo thêm nhiều cơ hội cho sản phẩm Việt Nam đi ra thế giới.

Các sản phẩm OCOP của Việt Nam thu hút sự quan tâm của khách quốc tế. Các sản phẩm OCOP của Việt Nam thu hút sự quan tâm của khách quốc tế.

Mạng lưới OCOP toàn cầu và sáng kiến từ Việt Nam

Được khởi xướng vào năm 1979, Mỗi làng một sản phẩm (OCOP) là một chương trình phát triển theo khu vực ở Nhật Bản, mà tại đó, mỗi làng sản xuất một sản phẩm cạnh tranh để kinh doanh nhằm nâng cao mức sống cho người dân làng đó. Mô hình này đã trở thành nguồn cảm hứng cho các chương trình tương tự ở hơn 40 quốc gia trên thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn ở các quốc gia.

Tại Việt Nam, theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ một địa phương ban đầu là Quảng Ninh, đến cuối năm 2017, chương trình Mỗi làng một sản phẩm được triển khai đến 63 tỉnh, thành với 6.010 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất… Chương trình cũng đã tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm gồm thức ăn; đồ uống; lưu niệm-thủ công mỹ nghệ; thảo dược; vải, may mặc và dịch vụ.

Chương trình được đúc kết từ thành công và kinh nghiệm quốc tế cũng như trong nước, được đánh giá là một giải pháp rất cụ thể, hiệu quả, giúp thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện, tạo động lực mới phát triển kinh tế khu vực nông thôn và vùng đồng bào DTTS sinh sống.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới hội nhập sâu rộng hiện nay, Việt Nam-với ưu thế là một nền kinh tế mở đang tăng trưởng nhanh, đã có sáng kiến về một mạng lưới OCOP toàn cầu. Điều đó được hiện thực hóa vào ngày 17/4 vừa qua, khi Diễn đàn Kết nối mạng lưới OCOP toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã tổ chức Hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng (Lifestyle VietNam) 2019 và triển lãm quốc tế Mỗi xã một sản phẩm. Hội chợ quy tụ trên 700 gian hàng của các doanh nghiệp đến từ 40 tỉnh, thành phố của cả nước.

Đặc biệt, Hội chợ có sự tham gia của doanh nghiệp đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Kenya, Senegal, Afghanistan, Madagascar, Botswana, Australia, Nepal và Nga.

Chia sẻ cơ hội hợp tác, giao thương

Theo ông Đặng Văn Cường, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Hội chợ quốc tế OCOP năm 2019 được tổ chức, với mục đích quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng tiêu biểu, thiết kế mới của các làng nghề của Việt Nam; tạo cơ hội để các doanh nghiệp trưng bày, trình diễn các sản phẩm thể hiện sự sáng tạo, bản sắc riêng cho từng sản phẩm.

Bà Lô Thúy Nga, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) chia sẻ: Hội chợ quốc tế OCOP 2019 là cơ hội để giới thiệu sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Thái chúng tôi tới khách hàng trong và ngoài nước. Nhờ Hội chợ, chúng tôi đã gặp thêm nhiều doanh nghiệp, ký được những hợp đồng giá trị và phát triển các kênh phân phối mới vượt ra ngoài khuôn khổ thị trường trong nước. Vì vậy, tôi mong rằng sẽ có nhiều hoạt động như này được triển khai để quảng bá các sản phẩm của địa phương do chính bà con DTTS làm ra.

Để đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm mang thương hiệu OCOP Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, chuyển giao công nghệ, hợp tác kinh doanh, cung ứng dịch vụ giữa các doanh nghiệp, địa phương trong nước; đồng thời lựa chọn, hỗ trợ các sản phẩm OCOP có khả năng xuất khẩu tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành lớn tại các thị trường quốc tế; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp xúc, đàm phán với đối tác, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ và gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm OCOP một cách bền vững.

BẰNG GIANG