Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Chống hạn mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Những giải pháp mang tính chiến lược

Thúy Hồng - 22:56, 16/03/2020

Trước những tác động nghiêm trọng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai nhiều giải pháp dài hạn để hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT)
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT)

Thưa ông, hiện nay đã có 5 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Long An ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán và xâm nhập mặn. Hơn 39.000ha lúa bị thiệt hại, hơn 96.000 hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt, dự báo con số thiệt hại sẽ tiếp tục tăng lên. Hướng giải quyết của ngành Nông nghiệp và các địa phương đối với tình trạng này ra sao?

Xâm nhập mặn năm 2019 - 2020 là xâm nhập mặn lịch sử, xuất hiện sớm, cường độ cao, thời gian ảnh hưởng dài hơn đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng năm 2015 - 2016. Thiệt hại lúa vụ mùa 2019 và Đông - Xuân 2019 - 2020 khoảng gần 39.000ha, chiếm khoảng 1,2% so với tổng diện tích gieo trồng (1,54 triệu ha), bằng 9,6% so với diện tích bị ảnh hưởng năm 2015 - 2016.

Để triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, Bộ NN&PTNT đã thường xuyên tổ chức các đoàn công tác phối hợp với các địa phương, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, đưa 5/11 dự án vào vận hành tạm thời phòng, chống xâm nhập mặn từ tháng 12/2019, tháng 1/2020, giúp chủ động trực tiếp kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000ha đất canh tác nông nghiệp và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặn cho 300.000ha. 

Tổ chức đắp đập ngăn mặn, vận hành hợp lý công trình thủy lợi để lấy nước, mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ người dân các thiết bị trữ nước, lọc nước, vận chuyển nước sinh hoạt.

 Hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Internet
Hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Internet

Để chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, ngành Nông nghiệp đã có các giải pháp mang tính chiến lược như thế nào thưa ông?

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó các nội dung liên quan đến phát triển nguồn nước đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2100, Bộ NN&PTNT đã triển khai xây dựng Đề án “Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng ĐBSCL”, trong đó đề xuất những giải pháp dài hạn, cụ thể:

Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và kết nối với cơ sở dữ liệu liên ngành, bao gồm dữ liệu về dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông, đáp ứng điều kiện ứng dụng công nghệ tiên tiến để hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành hệ thống thủy; đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động; nâng cao năng lực dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước để kịp thời cung cấp thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn...

Khuyến khích người dân chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp đa dạng.

Tập trung nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới công trình để bảo đảm khả năng kiểm soát nguồn nước, chất lượng nước liên vùng, chủ động điều hòa, phân phối nguồn nước hợp lý cho các đối tượng sử dụng nước ở các vùng: Vùng thượng, vùng giữa, vùng ven biển.

Đầu tư, nâng cấp hệ thống tiếp ngọt; nâng cấp hoàn thiện công trình kiểm soát triều cường; công trình chuyển nước ngọt liên vùng cho vùng nuôi trồng thủy sản; xây dựng các hồ trữ nước để tạo nguồn cấp nước sinh hoạt...

Để việc phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn hiệu quả, ngoài hệ thống chính trị phải vào cuộc, thì sự chủ động tham gia của người dân là rất quan trọng.