Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Long An chủ động phòng chống hạn, mặn

PV - 10:51, 07/05/2019

Khu vực Nam bộ đang ở cao điểm mùa khô, mùa xâm nhập mặn. Vì thế, công tác phòng, chống xâm nhập mặn, chủ động nước tưới cho sản xuất và giúp người dân sống chung với hạn, mặn đang được các địa phương cũng như tỉnh Long An đặc biệt quan tâm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Mặn xâm nhập sâu

Gần một tháng nay, khu vực Nam bộ không có mưa, nhiệt độ ban ngày trung bình khá cao và luôn ở mức cảnh báo. Đài Khí tượng Thủy văn Long An thông báo, từ đầu mùa khô năm 2019, nước mặn đã xâm nhập trên các, tuyến sông của tỉnh như sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây ở huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành với độ mặn dao động từ 0,10-10,2 gam/lít.

Nhiều hộ dân áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, góp phần sử dụng nước hợp lý, hiệu quả, giảm sự ảnh hưởng khi hạn, mặn xảy ra. Nhiều hộ dân áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, góp phần sử dụng nước hợp lý, hiệu quả, giảm sự ảnh hưởng khi hạn,
mặn xảy ra.

Trước tình hình trên, ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An đề nghị, các huyện phía Nam và TP. Tân An xây dựng kế hoạch vận hành các cống đầu mối hợp lý, thường xuyên kiểm tra và xử lý triệt để các cửa cống bị rò rỉ, tránh nước mặn xâm nhập vào bên trong nội đồng; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ở địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân trên các đài truyền thanh huyện, xã về tình hình chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông và trong nội đồng, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Các cơ quan chuyên môn chủ động rà soát xây dựng các kịch bản về tình trạng xâm nhập mặn, khoanh vùng khả năng thiếu nước bằng cách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với diễn biến của xâm nhập mặn.

Chủ động phòng và chống

Tại huyện Cần Đước, công tác phòng, chống hạn, mặn được tập trung thực hiện nghiêm túc. Huyện tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm, hợp lý và chủ động dự trữ nước để bảo đảm không bị thiếu hụt vào mùa khô, nhất là nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài những công trình tỉnh đầu tư, huyện còn nạo vét nhiều tuyến kênh, mương nội đồng, khơi thông dòng chảy và thường xuyên kiểm tra độ mặn trên các sông để có giải pháp kịp thời, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Cán bộ chuyên ngành tỉnh Long An thường xuyên kiểm tra độ mặn các tuyến kênh để chủ động phòng chống. Cán bộ chuyên ngành tỉnh Long An thường xuyên kiểm tra độ mặn các tuyến kênh để chủ động phòng chống.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, ở ấp 4, xã Long Khê, huyện Cần Đước, chia sẻ: Qua thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi nắm được diễn biến hạn mặn. Giếng khoan có thể bảo đảm được nguồn nước nhưng gia đình tôi không chủ quan mà chủ động dự trữ nước trong ao để phục vụ hơn 3.000m2 đất trồng rau khi cần. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, ngoài xây dựng nhà lưới, chúng tôi còn áp dụng mô hình tưới tiết kiệm theo hướng dẫn của ngành chuyên môn nên giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế và sử dụng nguồn nước hợp lý hơn.

Tại huyện Tân Trụ, nhiều giải pháp phòng, chống mặn xâm hại đã được triển khai; người dân được hướng dẫn việc dự trữ, sử dụng nước hợp lý, hiệu quả; tiến hành nạo vét các kênh, mương nội đồng, bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt trên địa bàn.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ-Đoàn Văn Hoàng cho biết: Ngay từ đầu mùa khô huyện đã tổ chức nạo vét 17 công trình kênh, mương dẫn nước vào nội đồng trong hệ thống tích nước Nhựt Tảo, với kinh phí 5 tỷ đồng. Nhờ đó, hệ thống tích nước Nhựt Tảo tăng gấp đôi trữ lượng nước so với năm 2018, bảo đảm cung cấp đầy đủ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn.

BẰNG GIANG

Tin cùng chuyên mục