Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Chống tin giả để xây dựng 'thế giới không có ma túy'

PV - 11:20, 26/06/2021

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC), trên thế giới hiện có khoảng 275 triệu người nghiện và sử dụng ma túy, trong đó 164 triệu người sử dụng cần sa, 37 triệu người dùng ma túy tổng hợp, heroin và cocaine lần lượt là 18 triệu và 17 triệu người, số còn lại nghiện và sử dụng các loại ma túy khác.

Cảnh sát chuẩn bị thiêu hủy số ma túy thu giữ tại khu vực La Rinconada, ngoại ô La Paz, Bolivia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Cảnh sát chuẩn bị thiêu hủy số ma túy thu giữ tại khu vực La Rinconada, ngoại ô La Paz, Bolivia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Xu hướng các chất ma túy, gây nghiện (trong đó có thuốc giảm đau nhóm opioid, ma túy đá), đang ngày càng đa dạng hơn và độc tính cũng cao hơn trước, đặt ra thách thức ngày càng lớn. Báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ thanh niên và nhóm trẻ em từ 12 đến 17 tuổi sử dụng ma túy ngày càng tăng, đặc biệt là ma túy tổng hợp.

NODC nêu lên một thực trạng đáng lo ngại là nhận thức kém hoặc sai lệch của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng ma túy có liên quan đến tỷ lệ sử dụng ma túy cao hơn. Báo cáo của UNODC cho thấy trong 24 năm qua, Δ9-THC - thành phần chính của cần sa tác động tâm thần – đã tăng hoạt tính gấp 4 lần tại nhiều nơi trên thế giới, trong khi tỷ lệ thanh thiếu niên cho rằng loại chất kích thích này có hại giảm tới 40%, dù nhiều bằng chứng khoa học cho thấy việc sử dụng cần sa gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe, đặc biệt ở những người sử dụng thường xuyên trong một thời gian dài. Đó là một trong những nguyên nhân khiến số người nghiện, lạm dụng ma túy năm sau đều cao hơn năm trước.

Chủ đề của Ngày Quốc tế phòng chống ma túy năm nay 26/6 là “Hãy chia sẻ sự thật về ma túy, cứu lấy những sinh mạng”, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường cũng như chia sẻ những thông tin dựa trên bằng chứng khoa học, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ma túy để cộng đồng quốc tế, các chính phủ, xã hội dân sự, các gia đình và thanh thiếu niên có thể đưa ra những quyết định sáng suốt, thực hiện tốt mục tiêu ngăn chặn hành vi sử dụng ma túy và giải quyết những thách thức do ma túy gây ra. Mục đích là kêu gọi cộng đồng quốc tế chống lại nạn tin giả, tin sai sự thật về ma túy, khuyến khích mọi người chia sẻ, lan tỏa những dữ liệu đáng tin cậy về ma túy, chẳng hạn như hiểm họa của loại chất kích thích này đối với sức khỏe, những giải pháp thiết thực cho vấn nạn ma túy, biện pháp phòng ngừa, điều trị và chăm sóc người nghiện ma túy…

Nhờ sử dụng công cụ phân tích truyền thông xã hội, các chuyên gia Mỹ đã theo dõi tình trạng phát tán thông tin về Fentanyl (thuộc nhóm chất opioid được sử dụng như thuốc giảm đau trong y tế, song cũng được tổng hợp bất hợp pháp lẫn với heroin hoặc cocaine và được sử dụng như một loại thuốc giải trí kích thích thần kinh) từ năm 2015-2019. Kết quả cho thấy thông tin giả về Fentanyl có lượng truy cập cao hơn 15 lần so với thông tin chính thống do cộng đồng y khoa đưa ra. Đa số tin giả về Fentanyl xuất hiện từ những bài đăng trên Facebook ở hai bang Texas và Pennsylvania (Mỹ), khả năng tiếp cận được 67 triệu người. Trong khi đó, một thống kê cho thấy trong khoảng 15 năm qua, tổng số ca tử vong liên quan đến sử dụng chất opioid, trong đó có Fentanyl đã tăng 71%.

Hàng loạt thông tin sai sự thật cho rằng những chế phẩm được bào chế từ cần sa có thể chữa trị mọi bệnh tật, từ đau bụng cho đến ung thư giai đoạn cuối đã lan tràn qua mạng xã hội. Những thông tin thiếu căn cứ khoa học này nhiều khi lại tạo hy vọng ảo và lầm tưởng cho những người đang ở thời điểm mong manh giữa sống và chết. Tai hại hơn là có những người lựa chọn dừng biện pháp can thiệp y học truyền thống để sử dụng những chế phẩm này.

Những loại ma túy tổng hợp khác, trong đó có Krokodyl và “spice” cũng gây ra “dịch tin giả”. Trên mạng xã hội, Krokodyl hay còn gọi là “ma túy cá sấu” được xem là loại chất “ăn thịt người” dù chỉ sử dụng một lần, trong khi spice hay còn gọi là “cỏ Mỹ” được mô tả là loại chất kích thích khiến người dùng có sức mạnh như “siêu nhân”. Dù sai sự thật, nhưng những thông tin này đều được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Không ít thanh thiếu niên và cả người trưởng thành, vì tò mò, có thể thử loại chất kích thích này để mong đạt được sức mạnh thể chất “phi thường”.

Những người trẻ tuổi cũng dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, trở thành nạn nhân của tin giả về một số loại ma túy mới hoặc việc sử dụng thuốc để đạt mục đích riêng. Có thể kể đến trường hợp gần đây, thông tin về thuốc dị ứng Benadryl lan tỏa trên mạng xã hội. Những người dùng nói rằng khi uống thuốc Benadryl liều cao gây ra ảo giác và thử thách người khác uống loại dược phẩm này. Hậu quả đáng buồn là ít nhất một người đã tử vong do tham gia thử thách uống thuốc Benadryl.

Thông điệp ý nghĩa và nhân văn của Ngày quốc tế phòng chống ma túy năm nay cho thấy việc cung cấp những thông tin chính xác, dựa trên cơ sở khoa học về ma túy có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng, cứu sống nhiều sinh mạng cũng như định hướng chính sách cho các nước để giải quyết vấn nạn ma túy. Đặc biệt, ngăn chặn tin giả, chia sẻ những thông tin đáng tin cậy về ma túy cũng chính là bảo vệ thế hệ trẻ trước mối đe dọa khủng khiếp của ma túy, hướng tới tương lai "một thế giới không có ma túy.