Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Chủ động di dân ra khỏi vùng sạt lở

PV - 16:23, 09/07/2018

Đến hết tháng 6/2018, UBND huyện Đà Bắc đã triển khai 5 khu tái định cư (TĐC) phục vụ di dân cấp bách ra khỏi vùng nguy cơ cao sạt lở trước mùa mưa bão. Các khu TĐC được quy hoạch đầy đủ nhiều hạng mục như mặt bằng, đường nội bộ, hệ thống thoát nước, nước sinh hoạt, điện, trường học… đến nay, 100% số hộ dân sống trong vùng nguy cơ bị sạt lở đã định cư tại nơi ở mới.

Hẳn ít người quên được trận mưa lũ lịch sử hồi tháng 10/2017 trên địa bàn huyện Đà Bắc. Chỉ trong hai ngày, mưa lũ đã làm 6 người chết, phá hoại hàng trăm nhà dân, nhiều hộ phải di dời khẩn cấp, nhiều hộ phải ở tạm, sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Mưa lũ đã tàn phá hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, viễn thông; hoa màu, thủy sản; gây thiệt hại nhiều về người và tài sản… Sau trận mưa lũ đó, theo thống kê của huyện Đà Bắc, tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn là 710 hộ, trong đó có 492 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất, đá; 218 hộ nằm trong vùng nguy cơ cao lũ ống, lũ quét.

Một góc khu TĐC Bưa Cốc, xã Suối Nánh. Ảnh: Minh Thu Một góc khu TĐC Bưa Cốc, xã Suối Nánh. Ảnh: Minh Thu

 

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền huyện Đà Bắc đã lên phương án di dời khẩn cấp các hộ dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Đến hết ngày 30/6/2018, UBND huyện Đà Bắc đã triển khai 5 khu TĐC phục vụ việc di dân cấp bách ra khỏi vùng nguy cơ cao trượt sạt.

Cụ thể các khu TĐC tại xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng; khu TĐC xóm Kế, xã Mường Chiềng; khu TĐC Bưa Cốc, xã Suối Nánh; khu TĐC xóm Túp, xã Tiền Phong và khu TĐC xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa. Các khu TĐC được quy hoạch đầy đủ các hạng mục như, san tạo mặt bằng, xây dựng đường nội bộ, hệ thống thoát nước, nước sinh hoạt, điện, trường học…

Là một trong những hộ dân chuyển về sống ở khu TĐC đầu tiên của huyện Đà Bắc-khu TĐC Bưa Cốc, xã Suối Nánh từ tháng 3/2018, trong căn nhà sàn khang trang, rộng chừng 50m2, có đầy đủ hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt…, anh Bùi Văn Trúc cho biết: Khi chưa về khu TĐC Bưa Cốc, cùng 61 hộ dân trong xóm cũ, gia đình anh luôn “sống trong sợ hãi” khi ở gần một quả đồi lớn, nguy cơ sạt lở và có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Trận mưa lũ năm 2017, lũ cuốn trôi 2 con bò, một cái xe máy, gần 500m2 lúa chuẩn bị thu hoạch của gia đình. Được chính quyền vận động di chuyển ra khu TĐC Bưa Cốc, gia đình anh cùng 61 hộ dân trong xóm được cấp đất làm nhà, mỗi hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng để thực hiện TĐC. Trên nền đất được cấp, tôi vay mượn thêm bạn bè, người thân gần 60 triệu đồng để hoàn thiện căn nhà mới.

Tại khu TĐC xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa, không khó để tìm gặp những chủ nhà đang tay búa, tay dao để hoàn thiện nốt những công việc còn dang dở của mỗi căn nhà TĐC. Lau giọt mồ hôi lấm tấm trên trán dưới cái nắng hè oi bức, anh Bàn Văn Vinh, 32 tuổi, người dân khu TĐC Lau Bai, xã Vầy Nưa không giấu được niềm vui: “Tuy vất vả nhưng phấn khởi lắm anh ạ! Đến nơi ở mới, trước hết là được an toàn trong mùa mưa bão, sau nữa là có điều kiện sống tốt hơn. Các cấp chính quyền đã quan tâm đầu tư đồng bộ về hạ tầng, hỗ trợ vật chất cho các hộ dân để có nơi ở mới tốt hơn, an toàn hơn”.

Theo ông Bùi Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa: Khu TĐC xóm Lau Bai được UBND huyện đầu tư đồng bộ về hạ tầng, hiện đã đón các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao sạt lở đất, đá về sinh sống. Bà con phấn khởi, không còn cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi trời mưa to, gió lớn; yên tâm ở nơi mới và bắt tay vào khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Đến nay, Vầy Nưa đã hoàn thành việc di chuyển 33/33 hộ về khu TĐC Lau Bai.

Hiện nay, 183/183 hộ dân ở các điểm có nguy cao sạt trượt đã chuyển đến các khu TĐC, một số hộ đã ổn định cuộc sống, bắt tay vào lao động sản xuất. Một điều thuận lợi là, khi quy hoạch các khu TĐC, huyện Đà Bắc chú trọng đến việc nơi ở không quá xa nơi sản xuất của bà con (nơi xa nhất là 3km). Mỗi hộ dân được cấp từ 250-400m2 đất để dựng nhà.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Bên cạnh việc di dân đến nơi ở mới an toàn, gần nơi sản xuất, huyện còn chú trọng xây dựng các phương án hỗ trợ bà con về sinh kế, như: Mô hình nuôi trồng thủy sản; mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, các mô hình trang trại; mô hình du lịch cộng đồng…

MINH THU

Tin cùng chuyên mục