Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Cho ý kiến toàn diện về các nội dung bảo đảm trọng tâm, trọng điểm

PV - 09:30, 12/09/2022

Sáng 12/9, tại Nhà Quốc hội, phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết một trong những trọng tâm của phiên họp là công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tập trung cho ý kiến toàn diện về các báo cáo và các dự thảo nghị quyết bảo đảm trọng tâm, bám sát mục tiêu giám sát đề ra, góp phần tạo căn cứ cho bước chuyển biến căn bản đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 15
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 15

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra trong khoảng 4 ngày, tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính. Một là các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chuẩn bị để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Hai là các vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định theo thẩm quyền.

Tạo ra bước chuyển biến cơ bản đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Đây là 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022. Bên cạnh việc là thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề lớn bao trùm từ Trung ương cho đến địa phương, liên quan đến cả khu vực công và khu vực tư, liên quan đến trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh với tầm quan trọng của nội dung chuyên đề giám sát, Đoàn giám sát lần này có sự tham gia hùng hậu của nhiều cơ quan bộ, ngành có liên quan. Trước đó, tại phiên họp tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án rất quan trọng này. Sau đó, Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn đã tiếp tục làm việc với một số các bộ, ngành và địa phương; đồng thời tổ chức tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các dự thảo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để chuẩn bị trình cho Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bám sát các mục tiêu các định hướng lớn và nội dung lớn trong Đề cương giám sát để cho ý kiến toàn diện cả về Báo cáo, dự thảo Nghị quyết, những vấn đề quan trọng cần phải có Nghị quyết của Quốc hội để tạo điều kiện và làm căn cứ tạo ra một bước chuyển biến cơ bản đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp

Cần tập trung thảo luận giải pháp giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài

Về các báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2022. Đây là những báo cáo thường niên hàng năm liên quan đến lĩnh vực về tư pháp, đấu tranh phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án để chuẩn bị một bước để trình ra Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2022. Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung này gắn liền với chuyên đề giám sát mà Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét tại phiên họp này là về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và báo cáo công tác dân huyện hàng tháng.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung đánh giá công tác tiếp công dân, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo, có so sánh đối chiếu với năm trước và trong 5 năm vừa qua, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong hệ thống chính trị bảo đảm sự gắn kết, đồng bộ với giải pháp, phương hướng nhằm góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài đông người.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là nội dung quan trọng gắn với việc triển khai thực hiện Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến báo cáo công tác năm 2022 và kế hoạch kiểm toán 2023 của Kiểm toán Nhà nước. Đây là nội dung sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường vụ Quốc hội căn cứ vào Luật Kiểm toán Nhà nước và các yêu cầu về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn với yêu cầu nâng cao hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước và tài sản công để tập trung cho ý kiến về những vấn đề lớn trong công tác kiểm toán hàng năm bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc phiên họp
Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc phiên họp

Sẽ ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các chuyên đề giám sát

Về các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định theo thẩm quyền, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề và quyết định ban hành Nghị quyết về công tác giám sát đối với 2 chuyên đề là “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021" và “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021". Ngoài ra, nội dung thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là xem xét báo cáo công tác dân nguyện trong tháng 8/2022.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến toàn diện về báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết bảo đảm trọng tâm, ngắn gọn, dễ hiểu bám sát được quan điểm, phạm vi, mục tiêu giám sát mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề ra. Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ năm 2021 đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng cho 2 Đoàn giám sát này ngay từ khâu là xác định chủ đề, xây dựng đề cương, kế hoạch giám sát, thành phần đoàn giám sát và các kế hoạch nghiên cứu, khảo sát ở các địa phương, các bộ, ngành. Trên cơ sở kết quả giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét ban hành nghị quyết về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trọng tâm của phiên họp lần này là công tác giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4. Ngoài ra, sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên họp chuyên đề pháp luật sau phiên họp thường kỳ này để chuẩn bị kỹ lưỡng cho các dự án luật và dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp.

Ngoài ra, trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bằng văn bản để cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; cho ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH 15 về việc chi trả hỗ trợ đối với người lao động./.

Tin cùng chuyên mục
“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), diễn ra tối 22/11. Tham dự Lễ kỷ niệm có Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Tài; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr và lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh bạn, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.