Theo báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng, Kỳ họp thứ 4 dự kiến khai mạc ngày 20/10, bế mạc ngày 18/11. Tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 Dự án Luật và 3 Dự thảo Nghị quyết; xem xét, cho ý kiến 7 Dự án Luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 3, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã tiếp xúc cử tri tại huyện An Dương. Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã tổ chức 5 cuộc tiếp xúc cử tri tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố để thông báo tới cử tri về nội dung kỳ họp, tình hình kinh tế, xã hội; đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh tại Kỳ họp.
Tại cuộc tiếp xúc đã có 10 cử tri phát biểu về nhiều vấn đề nổi bật, vừa mang tính bao quát, vừa mang tính cụ thể. Cụ thể, cử tri huyện Thủy Nguyên đã tham gia các ý kiến về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, bày tỏ vui mừng và đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế-xã hội của đất nước theo đánh giá của các tổ chức quốc tế.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2021, đất nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột giữa các nước trên thế giới. Tuy nhiên, nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn, nước ta đã thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Nhờ vậy, tình hình kinh tế-xã hội nước ta rất khả quan. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế Quý 3 năm nay đạt mức 13,36%; 9 tháng đầu năm, tổng tăng trưởng GDP bình quân khoảng 8,83%. Nếu Quý 4, chúng ta tập trung nỗ lực thì nước ta hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả năm.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhắc tới những yếu tố bất lợi có khả năng tác động tiêu cực tới nền kinh tế nước ta để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động ứng phó với các tình huống phát sinh.
Tham gia ý kiến vào các Dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp, cử tri kiến nghị cần có phần mềm để rà soát, tích hợp các điều luật của các đạo luật khác nhau nhằm giảm thủ tục hành chính, dễ thực thi và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, Đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Quốc hội đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó tích hợp các luật, điều luật phục vụ cho việc rà soát, bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, vướng mắc giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Các cơ quan của Quốc hội đang chuẩn bị rất kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng cao nhất cho các Dự án Luật cũng như các nội dung sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới.
Cử tri cũng đóng góp ý kiến với quy hoạch chung của Tp.Hải Phòng; về hoạt động đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và tình trạng cán bộ, bác sĩ ngành y bỏ việc; về tình trạng giáo viên nghỉ việc, thiếu giáo viên và công tác biên soạn sách giáo khoa; về bảo vệ môi trường; về phòng, chống bạo lực gia đình; về cải cách tiền lương và chế độ, chính sách với công chức, viên chức; về hỗ trợ doanh nghiệp; về công tác phòng cháy, chữa cháy; về nhà ở xã hội cho công nhân…
Trả lời kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, do nhiều nguyên nhân nên nước ta gặp một số khó khăn, thiếu hụt về thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế. Do đó, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội ra Nghị quyết Kỳ họp đã giao Chính phủ “tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế”. Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong cung ứng thuốc, nhằm đảo bảo đủ thuốc khám chữa bệnh. Nhờ vậy, khó khăn đang từng bước được giải quyết, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế đã giảm, công tác đấu thầu thuốc đang tích cực được triển khai.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4 cũng đề xuất đưa thuốc vào mặt hàng Nhà nước định giá (trước đây, thuốc chỉ là mặt hàng kê khai giá). Luật Đấu thầu cũng được sửa đổi theo hướng công khai, minh bạch để cán bộ vận hành thuận tiện theo đúng quy định, không sợ sai. Hiện nay, các cơ quan hữu quan đang bàn xây dựng luật về trang thiết bị y tế. Quốc hội đang giao Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 để Quốc hội quyết định việc có triển khai tiếp hay không sau khi Nghị quyết hết hiệu lực. Có thể một số nội dung sẽ tiếp tục được gia hạn, nhất là các nội dung chính sách để bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho nhân dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay có tình trạng lao động di chuyển từ khu vực công sang khu vực tư và ngược lại, một bộ phận rời khỏi thị trường và một bộ phận khác gia nhập thị trường lao động. Nhưng khi lực lượng bác sĩ di chuyển ra khu vực tư đông thì cần phải nghiên cứu xem có vấn đề gì bất thường không, nhất là về thu nhập. Vừa qua, các cơ quan chức năng đã có chủ trương nâng mức phụ cấp cho cán bộ y tế.
Về chính sách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội cho biết, do tác động của dịch bệnh nên lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại; mức lương cơ sở cũng không tăng. Do vậy, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ bàn về việc sớm quay trở lại thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Trong khi chưa thực hiện cải cách tiền lương thì có thể xem xét tăng lương cơ sở, trên cơ sở đánh giá bối cảnh kinh tế có khởi sắc.
Về vấn đề thiếu giáo viên, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các cơ quan chức năng đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương trong giai đoạn 2022-2026. Riêng năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Vấn đề bảo vệ môi trường, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là một trong nội dung được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội quan tâm, tăng cường các hoạt động giám sát về môi trường khi làm việc với các Bộ, ngành, địa phương nhằm đảm bảo các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Chúng ta kiên quyết không đánh đổi môi trường để tăng trưởng. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia tiên phong trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, trong đó có mục tiêu bảo đảm bền vững cho môi trường.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại buổi tiếp xúc cử tri: