Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp – trụ đỡ của nền kinh tế

Minh Thu - 15:07, 30/10/2021

Đó là ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội tại Thảo luận trực tuyến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, ngày 30/10. Các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; đồng thời có nhiều ý kiến đóng góp về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Quốc hội thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025
Quốc hội thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Theo đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn Lạng Sơn: Trong cơ cấu lại nền kinh tế, cần chú trọng nâng cao chuỗi giá trị các ngành, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, nhất là trong ngành Nông nghiệp. Qua hai năm Covid-19, ta càng thấy rõ nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn. Do vậy, cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp để thích ứng với xu thế mới, ngày càng cao của thị trường. Bởi hiện nay, tính tự chủ của nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghệp còn thấp. Đối với các tỉnh miền núi đang gặp khó trong cải tạo rừng nghèo kiệt.

“Đề nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn thực hiện CT13/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với từng địa phương để người dân miền núi sống được từ rừng, bảo vệ được rừng” - đại biểu Chu Thị Hồng Thái chia sẻ

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu đóng góp ý kiến tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên – Huế
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu đóng góp ý kiến tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên – Huế

Đồng tình với tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp, từ điểm cầu Thừa Thiên - Huế, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nêu ý kiến: Cần chú trọng phát triển thị trường lao động gắn với chuyển đổi số; đặc biệt nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới các mô hình đào tạo để tăng năng suất lao động, đảm bảo an sinh xã hội, phát huy lợi thế con người với Nhân dân là chủ thể. Trong Nông nghiệp, đòi hỏi sự tập trung cao độ để phát triển khoa học ứng dụng công nghệ cao, trong đó chuyển đổi kinh tế hộ thành kinh tế hợp tác xã, góp phần hình thành hệ sinh thái, tạo liên kết vùng để tương trợ nhau phát triển.

Còn theo đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn Điện Biên: Đối với những vùng có điều kiện KT-XH thuộc diện khó khăn nhất của cả nước, Chính phủ cần có giải pháp để thúc đẩy KT - XH những vùng này theo hướng thiết kế được nhiệm vụ cụ thể cho từng vùng (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ), từ đó xây dựng quy hoạch quốc gia và vùng để thực hiện cho mục tiêu phát triển chung. Với đặc thù, tập quán canh tác và bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS, với nguồn lực từ kinh tế đồi rừng, cần có cơ chế, giải pháp phát huy, tạo dựng động lực mới, thúc đẩy các mô hình sản xuất hiệu quả, nhất là liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học). Đồng thời, có phương án kết nối hệ thống tiêu thụ nông sản để vùng Tây Bắc phát triển. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông để bảo đảm phát triển sản xuất, xuất khẩu nông sản, thông thương hàng hóa, giúp miền núi tiến kịp miền xuôi.

Thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Trần Văn Sáu, Đoàn Đồng Tháp cho rằng: Không thể tách rời cơ cấu lại nền kinh tế với công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ cần có đánh giá tác động toàn diện của dịch bệnh đối với nền kinh tế để có kế hoạch cụ thể, hạn chế việc phát triển kinh tế thiếu tập trung, thiếu liên kết giữa thành thị với nông thôn. Cần có chính sách đầu tư phát triển kinh tế theo vùng, đào tạo nghề phù hợp, nhất là đào tạo nghề cho nông dân, hạn chế tình trạng di dân ồ ạt.

“Để cơ cấu lại nền kinh tế, mà trọng tâm là cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, cần quan tâm, chú trọng thay đổi nhận thức của người nông dân về vấn đề liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản” – đại biểu Trần Văn Sáu nêu ý kiến.

Đại biểu Bế Trung Anh
Đại biểu Bế Trung Anh

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Bế Trung Anh, Đoàn Trà Vinh cho rằng: Với vùng đồng bào DTTS, vốn xã hội là điều kiện cần, là bệ đỡ cho việc thực hiện các mục tiêu ở vùng DTTS. Theo tôi, để cơ cấu lại kinh tế, cần có quan điểm vững chắc và chính xác, hướng tới nguồn vốn xã hội vùng DTTS, thúc đẩy vốn xã hội phát triển, coi đó là điều kiện cần cho tất cả những vấn đề khác.

Còn đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn Trà Vinh khẳng định: Trong cơ cấu lại nền kinh tế, cần nâng cao chất lượng dự báo để có kịch bản ứng phó phù hợp trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong khi ta chưa chủ động vắc xin, cũng như chưa đạt được miễn dịch cộng đồng. Chính phủ cần xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút nguồn lực từ bên ngoài, tạo đà phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương, vùng miền, nhất là tài nguyên về nắng, gió. Cần ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, đầu tư cho ngành y tế, nhất là y tế cơ sở trong vệc sản xuất sinh phẩm, vắc xin điều trị Covid-19, đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân, làm cơ sở cơ cấu lại kinh tế./.

Tin cùng chuyên mục
“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), diễn ra tối 22/11. Tham dự Lễ kỷ niệm có Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Tài; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr và lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh bạn, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.