Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ người DTTS ở cơ sở: Ưu tiên tuyển dụng, chú trọng tạo nguồn (Bài 3)

Phạm Tiến - 14:51, 06/07/2022

A Lưới là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên - Huế, nơi có 77,5% dân số là người DTTS sinh sống. Huyện luôn quan tâm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ người DTTS. Đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS giai đoạn 2021 – 2025”, một lần nữa thể hiện sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong nhiệm vụ chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.

Đội ngũ cán bộ làm việc tại Trung tâm hành chính công huyện A lưới có chất lượng tốt, giúp người dân thuận lợi hơn trong các thủ tục
Đội ngũ cán bộ làm việc tại Trung tâm hành chính công huyện A lưới có chất lượng tốt, giúp người dân thuận lợi hơn trong các thủ tục

Ưu tiên tuyển dụng cán bộ người DTTS

Toàn huyện A Lưới hiện có 1.829 cán bộ biên chế, trong đó 895 người là DTTS, chiếm 48,9%. Riêng cấp xã có tổng số 435 cán bộ công chức, viên chức, trong đó có 355 người DTTS, chiếm 81,6%. 

Xác định việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ người DTTS có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế -xã hội ở địa phương, nhiều năm qua, A Lưới đã tập trung vào công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ người DTTS. Đặc biệt, địa phương đã ưu tiên tuyển dụng người DTTS có chuyên môn tốt về công tác ở các xã và ở các phòng, ban cấp huyện.Trong quá trình tuyển dụng, ưu tiên người DTTS tại chỗ, người có bằng thạc sĩ, đại học loại khá, giỏi nhằm khắc phục tình trạng đội ngũ cán bộ người DTTS vừa thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao và mất cân đối.

Thạc sĩ Lê Thị Liên, quê ở xã Bắc Sơn, người Pa Cô là một ví dụ điển hình. Chị Liên tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm Huế năm 2007, học xong thạc sĩ năm 2011, là chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy A Lưới năm 2012 đến nay. Được đào tạo bài bản lại nhiệt huyết với quê hương, Lê Thị Liên luôn hết mình với công việc, tích cực tuyên truyền, vận động để đồng bào các dân tộc đoàn kết một lòng xây dựng quê hương A Lưới ngày càng giàu đẹp.

Hay như Thạc sĩ Lê Thị Thêm, quê ở xã Bắc Sơn, người Pa Cô, học xong thạc sĩ năm 2010, hiện là Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện. Còn chị Hồ Thị Môn, dân tộc Tà Ôi, quê ở thôn Quảng Mai, xã A Ngo, sau khi chị tốt nghiệp ngành Hành chính thuộc Học viện Hành chính Quốc gia, phân hiệu tại Huế, về công tác tại xã. Chị là 1 trong 12 gương mặt thuộc Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn miền núi giai đoạn 2013-2020, trên địa bàn huyện A Lưới. Chị Liên, chị Thêm, chị Môn chỉ là số ít trong rất nhiều nhân lực chất lượng người DTTS được huyện A Lưới thu hút, ưu tiên tuyển dụng vào làm việc tại các xã, thị và phòng ban ở huyện.

Hiện tại, các cơ quan, ban, ngành như: Phòng Văn hóa - Thông tin, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hiệu trưởng một số trường học trên địa bàn huyện, đều có cán bộ lãnh đạo người DTTS. Đó là dấu hiệu đáng mừng về chất lượng và chủ trương sử dụng cán bộ là người DTTS. Có được kết quả đó, là cả một quá trình dài hơi của A Lưới trong việc ưu tiên tuyển dụng nguồn nhân lực là con em đồng bào DTTS.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Ban chấp hành Đảng bộ huyện A Lưới có 26 cán bộ là người DTTS được bầu vào Ban chấp hành
Nhiệm kỳ 2020-2025, Ban chấp hành Đảng bộ huyện A Lưới có 26 cán bộ là người DTTS được bầu vào Ban chấp hành

Quy hoạch gắn liền với bồi dưỡng cán bộ

Kinh nghiệm ở A Lưới là, để có đội ngũ cán bộ nguồn vững chắc cho những nhiệm kỳ tiếp theo, huyện A Lưới luôn tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ người DTTS được đi đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. Đồng thời, đưa vào quy hoạch những nhân tố đủ đức đủ tài để bồi dưỡng, tạo nguồn đội ngũ kế cận cho những nhiệm kỳ tiếp theo. Những nhân tố điển hình được Ban Tổ chức Huyện ủy đưa vào quy hoạch. Bên cạnh đó, việc phân công nhiệm vụ minh bạch, công khai đã tạo ra động lực lớn, để đội ngũ cán bộ người DTTS không ngừng phấn đấu cống hiến trong công việc và hoàn thiện bản thân.

Nhiệm kỳ 2020-2025, trong 41 người được vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện A Lưới có 26 người là người DTTS, chiếm 63,41%. Điều đáng nói, những cán bộ người DTTS được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ đều có tỷ lệ phiếu bầu rất cao. Điều đó khẳng định chất lượng, uy tín của cán bộ người DTTS ở A Lưới đang ngày càng được nâng lên.

Sau hàng loạt giải pháp, đến nay chất lượng cán bộ người DTTS ở A Lưới đã được nâng lên đáng kể. Trong 481 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS cấp huyện đã có 16 thạc sĩ, chiếm 3,2%; đại học, cao đẳng 384 người, chiếm 78,83%; cao cấp lý luận chính trị 33 người, chiếm 6,8%. Đội ngũ cán bộ chủ chốt được chuẩn hóa, có năng lực nên công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách đến cơ sở, người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với đó, sức lan tỏa thi đua học tập rèn luyện để ngày càng chuẩn hóa trong đội ngũ cán bộ cũng được nâng lên.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng uy tín cán bộ là người DTTS, huyện A Lưới đã  xây dựng và ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025”. Trong đó, phấn đấu năm 2023, 100% cán bộ công chức cấp xã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trung cấp trở lên. Có 90% cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác theo từng chức danh. Được bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính Nhà nước, tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với cán bộ quy hoạch nguồn, sử dụng được các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác.