Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”: Tiếp thêm động lực cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS

Thanh Huyền (thực hiện) - 10:00, 23/09/2019

Năm 2019 là năm thứ 5 Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chủ trì, phối hợp với một số bộ, ngành tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. Với ý nghĩa nhân văn cao cả, Chương trình đã tạo nên sức lan tỏa, tiếp thêm động lực bám bản cho nhiều thầy, cô giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của Chương trình, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã phỏng vấn ông Nguyễn Tường Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”: Tiếp thêm động lực cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS

Ông Nguyễn Tường Lâm (giữa) phát biểu tại buổi Họp báo giới thiệu Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019.

Xin ông đánh giá những kết quả nổi bật của Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” trong suốt những năm qua, đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS?

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chủ trì tổ chức từ năm 2015, nhằm ghi nhận những cống hiến bền bỉ, không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, nhất là các giáo viên giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn…

Trong 4 năm qua, Chương trình đã tuyên dương 214 thầy giáo, cô giáo công tác tại các điểm trường lẻ thuộc địa bàn 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, các trường học nằm trên đảo thuộc các huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo, các cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội; các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng làm công tác dạy học, giúp đỡ học sinh đến trường.

Mỗi thầy, cô giáo được tuyên dương là những tấm gương sáng về tình yêu thương, sự hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Thông qua Chương trình, chính quyền các cấp và cộng đồng xã hội đã hiểu hơn về những khó khăn, vất vả của những người “gieo chữ” ở những nơi gian khó của đất nước, đặc biệt là những người dày công “gieo chữ” trên những bản làng vùng DTTS. Từ đó, dành sự quan tâm, ủng hộ nhiều hơn đến sự nghiệp giáo dục vùng khó khăn.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019 có đặc điểm gì nổi bật, thưa ông? Thông qua Chương trình năm nay, Ban Tổ chức mong muốn gửi gắm điều gì?

Xuyên suốt Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” là những câu chuyện cảm động về các thầy, cô giáo đã dũng cảm hy sinh để cống hiến hết mình cho giáo dục vùng khó khăn. Chúng tôi nhận thấy, các thầy giáo, cô giáo giảng dạy ở nơi có điều kiện thuận lợi đã vất vả một, thì các giáo viên giảng dạy con em đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa thì khó khăn nhân lên gấp nhiều lần. Từ câu chuyện vượt qua khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, rào cản ngôn ngữ, vận động học sinh đến lớp, dạy dỗ các em trở thành công dân có ích cho xã hội… đều đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì.

Chính vì vậy, Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019 sẽ tuyên dương 63 thầy giáo, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn; các lớp học có trên 50% học sinh là người DTTS đang theo học. Trong đó, chúng tôi dành sự ưu tiên các giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm, giáo viên trẻ tình nguyện công tác tại vùng sâu, vùng xa, có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác giáo dục. Thông qua Chương trình, chúng tôi mong muốn, toàn xã hội hãy dành sự quan tâm, chia sẻ, chăm lo nhiều hơn đến sự nghiệp giáo dục ở những vùng khó khăn; tiếp thêm động lực bám bản cho nhiều thầy, cô giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS...

Thời gian tới, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam sẽ có giải pháp gì để chung tay cùng xã hội hỗ trợ phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, thưa ông?

Hằng năm, Ban Tổ chức Chương trình luôn dành thời gian cùng phóng viên báo chí đến những điểm trường, những lớp học, nơi có thầy giáo, cô giáo được tuyên dương để thăm hỏi, động viên giáo viên và các em học sinh. Qua những chuyến đi thực tế đó, chúng tôi càng thấu hiểu những khó khăn của thầy và trò ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn.

Năm nay, Ban Tổ chức sẽ tiến hành tổng kết 5 năm Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và xây dựng kế hoạch Chương trình cho các năm tiếp theo để tiếp tục tôn vinh những giá trị nhân văn cao đẹp, sự cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Chắc chắn trong thời gian tới, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp, kêu gọi sự chung tay của các đơn vị, tổ chức để cùng hỗ trợ phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, góp sức vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019 dự kiến tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tại Thủ đô Hà Nội. Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc với chủ đề “Chia sẻ cùng thầy cô” để tri ân những đóng góp của các thầy, cô giáo có nhiều cống hiến trong sự nghiệp “trồng người”.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Gần 26 năm gắn bó với học sinh các DTTS ở xứ Nghệ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò miền núi vượt khó vươn lên, chinh phục ước mơ, tự tin bay ra “biển lớn”. Đồng thời, cô đóng góp quan trọng đưa trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng, không chỉ của tỉnh Nghệ An mà của cả hệ thống các trường Dân tộc nội trú trong toàn quốc.