Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Chương trình MTQG 1719 Quỳ Châu (Nghệ An): Đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đúng quy định, đối tượng thụ hưởng

Nguyễn Thanh - 21:06, 31/10/2023

Đối tượng thụ hưởng ít, người dân không có nhu cầu, thời gian thực hiện quá ít, chưa có doanh nghiệp liên kết thực hiện… cũng đang là những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Cũng bởi vậy mà huyện đã kiến nghị, xin điều chuyển trả nguồn vốn nhiều dự án trong năm 2023 không giải ngân hết, nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 đúng quy định, đối tượng

Nhiều dự án thuộc chương trình MTQG 1719 ở huyện Quỳ Châu không giải ngân hết do gặp một số khó khăn vướng mắc - Trong ảnh: một góc thị trấn Tân Lạc huyện Quỳ Châu
Nhiều dự án thuộc chương trình MTQG 1719 ở huyện Quỳ Châu không giải ngân hết do gặp một số khó khăn vướng mắc - Trong ảnh: một góc thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu

Trao đổi với Báo Dân tộc và Phát triển, bà Lê Thị Ngọc, Trưởng phòng dân tộc huyện Quỳ Châu (Nghệ An) chia sẻ: Có 2 nguồn vốn thực hiện chương trình MTQG 1719, thì vốn đầu tư phát triển sẽ giải ngân hết và hoàn thành kế hoạch vốn giao; riêng vốn sự nghiệp sẽ phải chuyển trả vì nhiều hạng mục không triển khai được.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương phân bổ năm 2022-2023 cho huyện là 75,688 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện đầu tư xây dựng 46 công trình thuộc 4 dự án (dự án 1, dự án 4, dự án 5, dự án 6) và hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 33 nhà ở thuộc dự án 1. 

Đến 22/9/2023, tổng kinh phí giải ngân là hơn 35,351 tỷ đồng. Dự kiến trong những tháng cuối năm 2023, huyện Quỳ Châu sẽ hoàn thành việc giải ngân kế hoạch vốn giao.

Tuy nhiên, đối với nguồn vốn sự nghiệp thì không đạt mục tiêu giải ngân.Cụ thể, trong 2 năm 2022-2023, huyện được giao nguồn vốn sự nghiệp là 106,781 tỷ đồng để thực hiện 9 dự án của Chương trình MTQG 1719. Đến ngày 22/9/2023, tổng kinh phí đã giải ngân chỉ được là 5,69 tỷ đồng. Dự kiến trong 3 tháng cuối năm 2023, kinh phí phân bổ của một số tiểu dự án, dự án sẽ không giải ngân hết như: Tiểu dự án 1 và 2 của Dự án 3; tiểu dự án 3 của Dự án 5; Dự án 6; Dự án 8. Vì vậy, huyện Quỳ Châu cũng đã đề nghị chuyển trả nguồn vốn dự kiến không giải ngân hết về tỉnh để kéo dài sang năm 2024.

Thi công xây dựng chợ Châu Hạnh
Thi công xây dựng chợ Châu Hạnh từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Theo báo cáo của huyện Quỳ Châu, trong số 4 dự án đề nghị chuyển trả nguồn vốn sự nghiệp, thì số tiền đề nghị chuyển trả năm 2022 là 6,708 tỷ đồng và năm 2023 là 56,527 tỷ đồng. Gồm, dự án 3 kinh phí được bố trí năm 2022 là 21,367 tỷ đồng, năm 2023 là 63,124 tỷ đồng,  kinh phí đề nghị điều chuyển trả lần lượt theo các năm là 6,708 tỷ đồng và 51,601 tỷ đồng. 

Dự án 5 kinh phí được bố trí năm 2022 là 1,021 tỷ đồng, năm 2023 là 5,316 tỷ đồng, kinh phí đề nghị điều chuyển trả năm 2023 là 3,1 tỷ đồng. Dự án 6, kinh phí bố trí năm 2023 là 488 triệu đồng và kinh phí đề nghị điều chuyển trả năm 2023 là 438 triệu đồng. Dự án 8, kinh phí được bố trí năm 2023 là 2,106 tỷ đồng, kinh phí đề nghị điều chuyển trả năm 2023 là 1,388 tỷ đồng.

Nguyên nhân huyện đề nghị chuyển trả vốn sự nghiệp, theo lãnh đạo huyện Quỳ Châu thì: Đối với tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, do đối tượng thụ hưởng trên địa bàn không còn nhiều, do vậy nguồn vốn dự kiến không giải ngân hết trong năm 2023; 

Đồng thời, huyện cũng đã đề nghị UBND tỉnh sửa đổi quyết định 833 ngày 29/3/2023 về quy định và ủy quyền trợ cấp gạo, đề nghị UBND tỉnh kiến nghị lên các bộ, ngành sửa đổi bổ sung quy định đối tượng hỗ trợ gạo tham gia khoán bảo vệ rừng, bảo vệ rừng theo chuẩn nghèo đa chiều hiện nay của Bộ LĐTB&XH. Cho phép huyện lấy kết quả hồ sơ thiết kế năm 2023 làm cơ sở giải ngân nguồn năm 2022.

Xây dựng trường mầm non huyện Quỳ Châu
Nguồn kinh phí triển khai nội dung 1, Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu đang được triển khai ở nhiều xã. (Trong ảnh: Trường mầm non huyện Quỳ Châu đang được thi công)

Đối với tiểu dự án 2, thuộc dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN thì, với nội dung 1 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thực hiện trên 9 xã đặc biệt khó khăn cũng gặp vướng mắc, là năm đầu thực hiện dự án nên UBND các xã gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện. Trên cơ sở này, huyện Quỳ Châu đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch năm 2023 sang năm 2024. 

Còn nội dung 2 về đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; do chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã chủ trì liên kết về dược liệu tại địa bàn, quy hoạch đất để đầu tư vùng dược liệu nên đề nghị chuyển trả nguồn vốn dự kiến không giải ngân được trong năm 2023 về tỉnh. Huyện cũng đề nghị UBND tỉnh giới thiệu các doanh nghiệp về dược liệu có đủ năng lực, uy tín đầu tư vào phát triển tại huyện.

Đối với tiểu dự án 3 của Dự án 5 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS&MN, công tác tuyển sinh học nghề cũng không thực hiện được dó có rất ít người dân không có nhu cầu; ngoài ra, các đối tượng còn trùng với chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, nên đề nghị chuyển trả nguồn vốn dự kiến không giải ngân hết năm 2023 về tỉnh.

Nội dung tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống các DTTS theo dự án 6 chưa triển khai - Trong ảnh: một tiết mục văn hóa văn nghệ tại lễ hội Hang Bua của huyện
Nội dung tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống các DTTS theo Dự án 6 chưa triển khai do hoạt động này thường diễn ra vào ngày 19/4 hằng năm, nhưng kinh phí phân bổ muộn nên không triển khai được (Trong ảnh: Một tiết mục văn nghệ tại Lễ hội Hang Bua của huyện)

Với nội dung tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống các DTTS theo Dự án 6, do các hoạt động thi đấu thể thao truyền thống các DTTS chủ yếu tổ chức vào ngày 19/4 hàng năm, nhưng kinh phí phân bổ muộn nên chưa kịp triển khai. Vì vậy, nội dung này, huyện Quỳ Châu đề nghị chuyển trả kinh phí sang năm 2024 để triển khai thực hiện; và đề nghị có cơ chế hỗ trợ cho các đơn vị xã, thị trấn tham gia giải thi đấu thể thao. 

Riêng nội dung hỗ trợ nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS theo Dự án 6, do không có quy định về nội dung chi “tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể” nên huyện cũng không thể hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân. Do đó, huyện đề nghị chuyển trả kinh phí sang năm 2024 để triển khai thực hiện và đề nghị bổ sung thêm nội dung “tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể”, để có cơ sở tổ chức lớp cho các nghệ nhân trong công tác truyền dạy.

Với Dự án 8 về Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, kinh phí được cấp nhiều, nhưng nguồn vốn được phân bổ chậm nên thời gian thực hiện quá ít (3 tháng cuối năm) không đủ để thực hiện hết tất cả các nội dung, huyện cũng đề nghị chuyển trả số kinh phí còn lại về tỉnh hoặc kéo dài thời gian để Hội LHPN huyện tổ chức các hoạt động./.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.