Triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi và nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Ninh về “Phát triển bền vững KT - XH gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, trong giai đoạn 2021 - 2025, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 2 nghị quyết tập trung nguồn lực để thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc với tổng kinh phí là 4.200 tỷ đồng.
Theo đó, tỉnh đã quan tâm, đầu tư phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; phát triển các sản phẩm chủ lực và sản xuất hàng hóa nông nghiệp trên quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, có lợi thế của địa phương... Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 64/64 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); hết năm 2022, tỉnh có 27/64 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có 10/64 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương. Thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 73,348 triệu đồng/người/năm (tăng 29,648 triệu đồng/người/năm so với năm 2020).
Ông Lý Tài Thông, Người có uy tín xã Tân Dân, TP. Hạ Long bày tỏ: Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nâng cao đời sống cho người dân Tân Dân và vùng đồng bào DTTS trong tỉnh. Là Người có uy tín, chúng tôi cũng được bồi dưỡng kiến thức, thông tin để kịp thời tuyên truyền, vận động cho bà con; đồng thời, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của bà con đến cơ quan Nhà nước để kịp thời giải quyết theo quy định”.
Bằng sự nỗ lực, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và thực hiện chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trong giai đoạn 2023 - 2025 cao gấp 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương.
Trên cơ sở các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS ngày càng được nâng cao. Nhiều giá trị văn hóa phi vật thể như: Nghi lễ cấp sắc của người Dao, Hội Soóng cọ của người Sán Chỉ, thực hành Then của người Tày,… đã được nhận diện giá trị tiêu biểu của di sản và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 19 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là người DTTS. Toàn tỉnh hiện có 55 Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống của vùng DTTS và miền núi được thành lập, củng cố và nhân rộng, hướng đến chất lượng có chiều sâu, hiệu quả, thu hút đông đảo người dân tham gia, hưởng thụ.
Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh triển khai chính sách bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch; nhiều di tích, lễ hội được khai thác và phát huy, với định hướng là các sản phẩm du lịch bền vững của các dân tộc; một số địa phương đã đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng, bước đầu tạo ra một số sản phẩm du lịch độc đáo...
Bà Ân Thị Thìn, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Trong 5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh vẫn kiên định quan điểm, mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS trên tất cả các lĩnh vực là vấn đề chiến lược và cấp bách.
Đặc biệt, việc cụ thể hóa triển khai ở cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh Quảng Ninh luôn sáng tạo, quyết liệt. Nhờ đó, chất lượng đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đây là yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ninh trong những năm tiếp theo.