Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Chuyện ghi được ở Hải Hà

PV - 12:00, 13/06/2019

Chúng tôi về Hải Hà, huyện miền núi, biên giới tỉnh Quảng Ninh đúng vào dịp cấp ủy, chính quyền ở đây đang hoàn tất những khâu cuối cùng để tiến hành Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Hải Hà lần thứ III, năm 2019. Dù công việc bộn bề nhưng các đồng chí lãnh đạo huyện vẫn dành thời gian trao đổi với chúng tôi những câu chuyện mà các anh trăn trở giải quyết, đó là chuyện thoát nghèo và thay đổi nếp ăn ở vệ sinh nhằm bảo đảm môi trường sống vùng đồng bào DTTS.

Đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Hải Hà chăm sóc rừng trồng góp phần tăng thu nhập ổn định cuộc sống. Đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Hải Hà chăm sóc rừng trồng góp phần tăng thu nhập ổn định cuộc sống.

Cải tạo hệ thống nhà vệ sinh và xây “chung cư trâu”

Hải Hà có trên 16 ngàn người DTTS, chỉ chiếm 25,1% số dân toàn huyện, nhưng có tới 10 thành phần dân tộc, cư trú rải rác ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn, trong đó tập trung chủ yếu ở 2 xã Đồng Sơn và Quảng Đức. Đây cũng là 2 xã duy nhất nằm trong diện ĐBKK của huyện.

Chủ tịch UBND huyện Hải Hà-Phạm Xuân Đài cho biết, hiện 2 xã Đồng Sơn và Quảng Đức đã hội tụ đủ các điều kiện thoát khỏi diện ĐBKK. Huyện đang tập trung cho vấn đề lồng ghép để xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, trong đó có 2 vấn đề khó, cần thực hiện đồng bộ mới giải quyết được.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đức Dũng, vấn đề trăn trở nhất ở Hải Hà là thói quen làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm, nhà tiêu ngay sát cạnh nhà ở đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ bao đời nay của đồng bào. Để ra khỏi diện ĐBKK và đạt chuẩn NTM, trước hết Hải Hà phải tập trung cải tạo khâu bảo đảm vệ sinh môi trường sống vùng đồng bào DTTS. Cụ thể, nhà dân phải có nhà tiêu hợp vệ sinh và di chuyển hệ thống chăn nuôi chuồng trại ra xa nhà ở. Đây là vấn đề rất khó vì khi cán bộ vận động, người dân đưa ra đủ mọi lý do như: không có tiền mua vật liệu, không có đất di chuyển, thiếu nhân lực…

Trước tình hình này, UBND huyện Hải Hà đã chỉ đạo các phòng, ban cùng các xã thống kê số nhà dân chưa có nhà vệ sinh, số hộ cần di chuyển chuồng nuôi gia súc, gia cầm ra xa nhà ở. Đích thân Chủ tịch UBND huyện đã trực tiếp gặp gỡ các doanh nghiệp để vận động xã hội hóa 250 tấn xi măng, trên 30 vạn viên gạch, nhằm hỗ trợ cho người dân. Đồng thời giao cho chính quyền các xã, đoàn thể hướng dẫn và giám sát việc xây dựng nhà vệ sinh cũng như di chuyển khu chăn nuôi gia súc, gia cầm của các gia đình. Đối với các hộ thiếu nhân lực để triển khai, huyện huy động các đoàn thể, lực lượng bộ đội đến hỗ trợ, giúp đỡ.

Đối với những hộ dân không có đất để bố trí làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm, các phòng ban huyện cùng chính quyền các xã tổ chức họp dân, hình thành từng nhóm các hộ dân để các hộ dân tự thống nhất chọn đất xây dựng khu chăn nuôi trâu, bò (còn gọi là “chung cư trâu”). Với cách làm này, cuối năm 2018, Hải Hà đã xây dựng được gần 50 “chung cư trâu” tại xã Quảng Phong.

Theo Chủ tịch UBND huyện Phạm Xuân Đài chia sẻ: “Hải Hà quyết tâm triển khai xây dựng nhà tiêu, hệ thống chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng làm đâu chắc đó để cải thiện vệ sinh môi trường lâu dài cho đồng bào vùng DTTS”.

Xã Quảng Phong xây dựng khu “chung cư trâu” nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường cho người dân. Xã Quảng Phong xây dựng khu “chung cư trâu” nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường cho người dân.

Khơi dậy khát vọng làm giàu cho đồng bào

Làm thế nào để nâng cao thu nhập, khơi dậy khát khao làm giàu trong đồng bào DTTS là điều lãnh đạo huyện Hải Hà luôn trăn trở. Chủ tịch UBND huyện Hải Hà-Phạm Xuân Đài nhấn mạnh: “Để thay đổi nhận thức và tập tục, tập quán sản xuất của bà con DTTS là việc không dễ dàng. Hiện tại, không ít người dân chỉ bằng lòng với việc thoát nghèo chứ chưa có ý chí vươn lên làm giàu. Vì vậy, chúng tôi xác định đây là mục tiêu lâu dài, dù khó đến mấy cũng phải làm bằng được”.

Tuy khó, nhưng ở Hải Hà có điều kiện thuận lợi cho người dân thoát nghèo, có kinh tế cửa khẩu, cặp cửa khẩu giao lưu kinh tế với nước bạn Trung Quốc, có kinh tế biển, có diện tích đất rừng khá lớn, để phát triển cây lấy gỗ lớn và phát triển chăn nuôi, lại có đất đồi thích hợp với cây chè. Huyện đang tập trung xây dựng các mô hình sản xuất, chương trình phát triển kinh tế tại các xã vùng cao, biên giới có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Đặc biệt, tại Hải Hà có Khu Công nghiệp Texhong. Mỗi lao động làm việc tại Khu Công nghiệp Texhong có mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng, những lao động làm lâu năm có mức thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng. Mỗi hộ đồng bào DTTS chỉ cần có một lao động tại khu công nghiệp sẽ bảo đảm thu nhập ổn định cho cả gia đình thoát nghèo bền vững.

Chủ tịch UBND huyện Phạm Xuân Đài khẳng định, lãnh đạo huyện Hải Hà khuyến khích các gia đình người DTTS tạo điều kiện cho con em vào làm việc tại Khu công nghiệp Texhong. Huyện sẽ có cơ chế hỗ trợ việc đào tạo nghề cho con em người DTTS và sẵn sàng bảo lãnh mỗi gia đình đồng bào DTTS có ít nhất một lao động vào làm việc tại Khu công nghiệp Texhong.

Với những quyết tâm đó, Hải Hà đang coi đây là chương trình hành động tiên quyết thiết thực để thực hiện thắng lợi quyết tâm thư Đại hội Đại biểu dân tộc thiểu số huyện Hải Hà lần thứ III năm 2019.

XUÂN PHÚ

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.