Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chuyện ghi ở Y Tý

PV - 09:14, 05/02/2018

Vậy là đã hơn hai năm tôi không lên Y Tý, xã xa nhất của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Chỉ hai năm thôi mà mọi vật như khoác lên mình chiếc áo mới, con đường về xã đã được làm mới, cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm… được đầu tư xây dựng khang trang hơn. Khu dân cư trung tâm xã cũng sầm uất, nhộn nhịp đông vui hơn….

Từ “3 hạt giống đỏ”

Gặp Bí thư Đảng ủy xã Ly Giờ Có, vẫn vẻ hồn hậu, chất phác của người vùng cao, anh Có dẫn chúng tôi đi một vòng thăm trụ sở làm việc mới, rồi thăm con “phố” trung tâm của xã. Bên chén trà nóng xua đi cái lạnh vùng cao, những câu chuyện về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, công tác xây dựng đảng ở xã vùng cao… như cuốn chúng tôi ngược dòng chảy về lịch sử phát triển của mảnh đất, con người nơi đây…

Anh Có kể: Y Tý là mảnh đất có 3 dân tộc anh em Hà Nhì, Mông và Dao cùng sinh sống. Vào những năm cuối thập niên bốn mươi của thế kỷ XX, mặc dù huyện Bát Xát còn gặp muôn vàn khó khăn, tình hình địch khủng bố, càn quét, giao thông cách trở nhưng xã Y Tý vẫn được chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng. Với sự giúp đỡ của hai cán bộ đảng viên tăng cường, ngày 10/10/1949, tại một lán nhỏ trong khu rừng già thôn Lao Chải đã diễn ra Lễ kết nạp Đảng cho ba quần chúng ưu tú người dân tộc Hà Nhì đó là: Sò Seo Vu (thôn Lao Chải), Sần Seo Tả và Ly Si Giờ (thôn Chỏn Thèn). Đó cũng là ngày thành lập Chi bộ Đảng xã Y Tý.

y ty Đời sống của đồng bào các dân tộc xã Y Tý đang đổi thay từng ngày. (Trong ảnh: Đồng bào Hà Nhì tổ chức một nghi lễ truyền thống của dân tộc mình).

 

Có thể chưa ai đong đếm được công lao đóng góp của các ông đối với địa phương. Nhưng lịch sử ở Y Tý ghi nhận đã có những con người như họ vững lòng tin theo Đảng để làm cách mạng. Hơn thế nữa từ ba hạt giống đỏ đầu tiên đã trở thành những nhân tố tích cực, giác ngộ quần chúng nhân dân 3 dân tộc anh em Hà Nhì, Mông và Dao, ổn định cuộc sống, chăm lo phát triển kinh tế, tham gia kháng chiến giải phóng quê hương.

Đến tháng 10/2003, Y Tý đã có 39 đảng viên, đủ điều kiện thành lập đảng bộ. Nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 3/2/2008, Đảng bộ kết nạp thêm 3 nữ đảng viên người dân tộc Hà Nhì. “Có thể nói đây là bước phát triển mới của Đảng bộ xã. Bởi bao đời nay, con gái người Hà Nhì, thu mình khép kín trong ngôi nhà giống hình cái nấm bao bọc bởi bốn bức tường trình đất, chỉ để độc nhất một cửa nhỏ đủ đi vào, đi ra; họ chỉ biết lam lũ làm ăn, lớn lên lấy chồng, sinh con… kiếp sống quẩn quanh truyền từ đời này qua đời khác. Thế mà Đảng bộ xã Y Tý đã mạnh dạn làm một việc “động trời”, thân phận người phụ nữ vốn bị coi rẻ đã bắt đầu có chỗ đứng bình đẳng từ trong gia đình cho đến xã hội”, Bí thư Có chia sẻ.

Thời gian như thoi đưa, kể từ ngày có chi bộ đảng đến nay đã gần bảy mươi năm. Cả 3 đảng viên đầu tiên của chi bộ đã về cõi vĩnh hằng. Biết bao biến cố thăng trầm nhưng chi bộ vẫn không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng lãnh chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đảng bộ xã Y Tý hiện đã có 132 đảng viên sinh hoạt ở 17 chi bộ trực thuộc; trong đó đảng viên người DTTS là 109 người.

Nẩy chồi xanh

Những năm gần đây, với sự quan tâm của Chính phủ, đặc biệt thông qua Chương trình 135; trên địa bàn xã Y Tý đã được đầu tư giao thông, điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế, kênh mương nội đồng… phục vụ đắc lực cho việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bản vùng cao Y Tý Bản vùng cao Y Tý

 

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được nhưng Y Tý vẫn còn đó nhiều nỗi lo chất chồng. Bí thư Ly Giờ Có bảo: “Nói vậy chứ Y Tý còn rất nhiều khó khăn; cả xã có gần 300ha ruộng bậc thang chênh vênh trên các sườn núi, không đủ nước để gieo cấy lúa hai vụ. Nhiều vật nuôi, cây trồng mới đến với Y Tý chưa thực sự có sức thuyết phục người dân. Một số thôn bản cách xa trung tâm xã hàng chục cây số, nhiều ngày mưa lũ địa hình bị chia cắt bởi suối sâu, các tuyến đường giao thông bị sạt lở. Bên cạnh đó, các tập quán lạc hậu vẫn còn nặng nề không thể một sớm, một chiều khắc phục được…”.

Xác định được điều đó, Đảng bộ xã đã phân công, phân nhiệm tới từng cán bộ đảng viên phụ trách từng thôn bản. Tuyên truyền vận động người dân đưa các cây, con mới vào nuôi trồng như mở rộng diện tích trồng cây sơn tra, thảo quả… Đặc biệt trong những năm gần đây Chương trình 135 đã góp phần tích cực trong việc tạo sinh kế cho người dân. Năm 2017 xã Y Tý được phân bổ trên 300 triệu đồng từ chương trình này để hỗ trợ sản xuất. Với nguồn vốn này xã đã tập trung mở rộng diện tích trồng cây đương quy, rau đậu Hà Lan, đây là hai cây trồng mà thị trường đang rất ưa chuộng và có giá trị kinh tế cao.

Nhờ đó, những năm gần đây, nhiều hộ ở Y Tý đã thoát nghèo vươn lên làm giàu như hộ gia đình ông Ly Giờ Sa, Lý A Páo, Phu Lò Dé… mỗi năm thu nhập từ vườn rừng thảo quả, chăn nuôi đại gia súc đạt trên dưới 100 triệu đồng/năm. Hầu hết các gia đình đã mua sắm được ti vi, xe máy và các vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Những con số tuy còn quá khiêm tốn so với nhiều địa phương khác trong huyện, trong tỉnh, nhưng đó là những dấu hiệu đáng mừng. Đảng bộ xã Y Tý đang đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo, cố gắng vươn lên cho ngang tầm nhiệm vụ. Biết nhìn thẳng khó khăn mà tìm cách khắc phục, biết tận dụng thời cơ, thuận lợi để bứt phá vươn lên. Mới nghe có vẻ như sách vở nhưng cán bộ đảng viên ở đây họ đang nghĩ, đang làm rất thực tế.

Thời gian lưu lại với Y Tý tuy không nhiều nhưng cũng đủ để lại những cảm nhận đáng nhớ. Ba dân tộc anh em đoàn kết chung sống bên nhau, ba hạt giống đỏ đầu tiên rồi nhiều hạt giống đỏ tiếp sau đã tạo thành một dòng chảy, chảy mãi giữa đất trời Y Tý.

Bút ký của Tuấn Lợi

Tin cùng chuyên mục
Những kỷ vật lặng lẽ gọi tên!

Những kỷ vật lặng lẽ gọi tên!

Cứ mỗi lần đứng trước những kỷ vật, di vật gắn liền với người lính nơi trận mạc, lòng tôi lại trào dâng bao cảm xúc. Và tôi gọi đó là những kỷ vật lặng lẽ gọi tên!