Nhiều mô hình KH&CN đi vào cuộc sống
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN): Qua 10 năm thực hiện, các chương trình KH&CN đã đạt mục tiêu, huy động nhiều nguồn lực phục vụ cho công tác nghiên cứu KH&CN. Các địa phương vùng DTTS và miền núi đã vận dụng, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn, tạo lợi thế cho các sản phẩm KHCN.
Tỉnh Cao Bằng là một ví dụ thành công về việc nghiên cứu, triển khai các đề tài KH&CN gắn với các mô hình sản xuất nâng cao chuỗi giá trị, liên kết "4 nhà" trong chăn nuôi, phát triển cây ăn quả, đem lại hiệu quả bước đầu.
Đơn cử như đề tài “Phục tráng bảo tồn và phát triển giống quýt đặc sản Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh”, cán bộ nông nghiệp, cán bộ Sở KH&CN phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất cây có múi sạch bệnh, kỹ thuật trồng mới, thâm canh, phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây cho cán bộ và người dân tại các xã Quang Hán, Cao Chương và thị trấn Hùng Quốc. Nhờ đó, diện tích cây quýt tại địa phương được mở rộng từ 1,5ha (năm 2013) lên 164ha (năm 2019), trong đó có trên 60ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt 12 - 15 tấn/ha.
Với giá bán quýt quả hiện nay dao động từ 25 - 30.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 50.000 đồng/kg. Nhờ đó, nhiều gia đình có thu nhập từ vài chục triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm.
Hay như tại tỉnh Bắc Giang, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã triển khai 11 dự án KH&CN với tổng kinh phí trên 114 tỷ đồng. Các dự án đều chú trọng đến các nội dung chuyển giao công nghệ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, đào tạo tập huấn cho người dân. Trong đó, nhiều dự án hiệu quả cao như: “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Yên Dũng”, do Công ty TNHH Sinh vật cảnh Hoàng Linh chủ trì thực hiện.
Trước khi triển khai Dự án, người dân chỉ canh tác rau theo mùa vụ, manh mún. Sau khi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, năng suất cây trồng tăng từ 180 - 220%. Dự án không chỉ mang lại lợi nhuận cho Công ty khoảng 350 triệu/năm mà còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động, thu nhập từ 9 -15 triệu đồng/tháng và 50 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo thông tin từ Bộ KH&CN, 10 năm qua, đã có 1.100 nhiệm vụ thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về KH&CN, các địa phương triển khai 8131 đề tài KH&CN, với tổng kinh phí 4.417 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2011 - 2020, nguồn ngân sách của Trung ương và các địa phương đã chi trên 11 ngàn tỷ đồng, từ đó thúc đẩy hoạt động KH&CN, tạo bước đột phá trong một số lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp.
Cần đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học ứng dụng
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai, áp dụng các đề tài, nhiệm vụ KH&CN ở vùng đồng bào DTTS & MN thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế, cần có giải pháp tháo gỡ. Chia sẻ mới đây tại Hội thảo “Vai trò Khoa học và Công nghệ thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030”, ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ KH&CN cho biết: Thời gian qua, nguồn lực dành cho KH&CN vùng DTTS & MN chưa thỏa đáng; đầu tư cho nghiên cứu còn thấp. Việc duy trì, phát huy các mô hình ở các địa phương là khó khăn do thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực, chưa có sự vào cuộc, dẫn dắt, đi tiên phong của các doanh nghiệp vào các vùng sản xuất (chưa tạo được chuỗi giá trị).
Theo ông Nguyễn Đình Hậu, trong giai đoạn 2021 - 2030, Quốc hội cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN nói chung, nhất là KH&CN đặc thù cho vùng DTTS & MN. Hội đồng Dân tộc và HĐND các tỉnh cần quan tâm, bố trí kinh phí, nguồn lực phù hợp dành cho hoạt động KH&CN.
Còn theo ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, để KH&CN thực sự đi vào cuộc sống, thời gian tới, các đề tài, nhiệm vụ KH&CN cần khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, trùng lắp. Khắc phục tình trạng đứt đoạn thiếu kết nối trong nội dung nghiên cứu và trong quản lý khoa học; thiếu sự kết nối giữa 4 nhà (nhà nghiên cứu khoa học, nhà nước, doanh nghiệp và người dân).
“Cần thực hiện một số nghiên cứu cơ bản trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc để xem xét đánh giá dự báo; đồng thời tập trung ưu tiên nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học ứng dụng để đưa thành quả KH&CN vào thực tiễn cuộc sống. Và thước đo cuối cùng là sự thay đổi của việc làm thu nhập và mức sống của người dân”, ông Nguyễn Lâm Thành khẳng định.