Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chuyển hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Thiên Đức - 10:55, 23/09/2019

Thời gian vừa qua, dư luận cả nước bức xúc về tình trạng thực phẩm bẩn. Điều này cũng buộc người sản xuất phải nhanh nhậy nắm bắt xu hướng để chuyển kịp thời. Thay vì tư duy sản xuất nhanh nhiều, rẻ, người dân đang hướng tới mô hình sản xuất sạch, chú trọng vào chất lượng sản phẩm. Do đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một trong những lựa chọn phù hợp nhất với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Chuyển hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Mô hình trồng rau thủy canh ở Lâm Đồng đem lại hiệu quả cao.

Theo tính toán, chi phí cho trồng trọt hữu cơ cao hơn và năng suất thấp hơn so với cách sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ vẫn luôn rộng mở và thu nhập của người sản xuất lại cao hơn 1,3-1,6 lần/ha.

Trên thực tế, thời gian qua nhiều địa phương đã tăng cường sản xuất hữu cơ, nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu. Cả nước hiện có 40 tỉnh, thành phố triển khai trồng trọt hữu cơ với diện tích gần 23.400ha, sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè… Hiện, có 12 tỉnh, thành phố triển khai chăn nuôi lợn hữu cơ với khoảng 64.200 con, sản lượng thịt hơi gần 6.000 tấn. Có 6 địa phương thực hiện chăn nuôi gà hữu cơ với 273 nghìn con. Có hai tỉnh là Nghệ An và Lâm Ðồng chăn nuôi bò hữu cơ, được các tổ chức quốc tế công nhận, với tổng số 3.500 con. Bên cạnh đó, có 4 địa phương có mô hình nuôi trồng thủy sản hữu cơ, với diện tích 134.800ha.

Cả nước hiện có gần 20 đơn vị xuất khẩu các loại rau củ quả hữu cơ với sản lượng khoảng 260 nghìn tấn/năm, giá trị gần 15 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Pháp, Ðan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Ðiển, Trung Quốc, Mỹ.

Có thể thấy ngành sản xuất hữu cơ đã đi những bước đầu tiên song vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Các mô hình sản xuất hiện tại chưa tận dụng được hết lợi thế bởi quy mô nhỏ lẻ, chưa có vùng tập trung; chưa có tiêu chuẩn đối với các sản phẩm thủy sản, hồ tiêu, rau, quả, cà phê hữu cơ; chưa có định hướng chiến lược sản xuất, tiêu thụ; sản phẩm chưa đa dạng và chất lượng chưa đồng đều...

Ðể phát triển nông nghiệp hữu cơ, các bộ, ngành và địa phương cần hoàn thiện hệ thống chính sách tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến…; hướng dẫn về phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến tiêu thụ; có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Ðề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Theo đề án, đến năm 2030, diện tích cây trồng hữu cơ cả nước đạt từ 7 đến 10% diện tích gieo trồng; vật nuôi có từ 5 đến 10% sản phẩm hữu cơ.