Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Chuyện về dòng họ hiếu học nhất Sín Thầu

PV - 09:59, 14/05/2018

Hiếu học, sáng dạ và luôn vươn lên trong cuộc sống, đó là đặc điểm khiến dòng họ Pờ ở Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên) thoát nghèo và trở thành một dòng họ khá giả, có nhiều người đỗ đạt, có thành tích cao nhất xã Sín Thầu.

Luôn giữ niềm đam mê học tập

Cụ Pờ Pó Chừ (dân tộc Hà Nhì) sinh được 11 người con, 7 trai và 4 gái. Những người con này sinh ra thế hệ thứ ba, tổng cộng là 49 người. Thế hệ thứ ba này đã sinh thế hệ thứ tư. Vào ngày lễ, Tết, tất cả tụ tập về nhà trưởng họ. Cỗ bàn linh đình, cỡ hơn chục mâm. Họ Pờ ở Sín Thầu đông dần, nhưng cũng tăng thêm sự hiếu học. Nhiều người hiện đang là công chức Nhà nước, góp phần xây dựng địa phương phát triển.

Những người con của dòng họ Pờ. Những người con của dòng họ Pờ.

Tất cả là nhờ đến sự đổi mới của cụ Pờ Pó Chừ. Cụ là một người có công nuôi dưỡng cán bộ và là người đầu tiên trong vùng được kết nạp Đảng. Vùng này xưa kia heo hút, biệt lập với bên ngoài, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Được ở gần cán bộ cách mạng, cụ Chừ thấu hiểu sự thiệt thòi khi thiếu cái chữ. Thế là cụ xin đi học. Có cái chữ trong đầu, dạ sáng ra, làm việc tốt hơn, nói chuyện hay hơn.

Sau cụ Pờ Pó Chừ là cán bộ xã, con trai cả của cụ là Pờ Xí Tài cũng tiếp nối công việc của cha mình. Suốt mấy chục năm, ông Tài làm Trưởng Công an xã, đã giúp đưa bà con thoát ra nhiều hủ tục lạc hậu.

Từ năm 1978 đến năm 2006, ông Tài giữ chức vụ Bí thư xã Sín Thầu. Ông không chỉ là một cán bộ năng nổ, một chiến sĩ kiên trung, đam mê học tập mà còn là người có công gây dựng nên cuộc sống mới ở Sín Thầu. Mấy người con của ông Tài nay đều trưởng thành. Người con cả Pờ Chí Lìn là sĩ quan quân đội, con thứ là Pờ Pờ San là công an, Pờ Trinh Phạ là cán bộ xã Sín Thầu...

Nhắc đến những người con của họ Pờ, không thể không nói đến ông Pờ Diệp Sàng, từng là Bí thư Huyện ủy Mường Nhé. Ông Sàng là một trong những người có công trong việc phát triển kinh tế-xã hội ở huyện mới Mường Nhé. Ông cũng có tư duy đổi mới như cha mình, tôn trọng cái chữ và đầu tư bằng mọi giá cho con đi học.

Có thể thiếu ăn chứ không để đói chữ

Ông Pờ Dần Sinh kể: Xưa chúng tôi còn bé, người Hà Nhì ở đây còn quá xa lạ với cái chữ. Rất hiếm người biết chữ. Anh em chúng tôi phải lội rừng, vượt sông lội suối cả tuần mới ra được đến trường huyện để học. Anh lớn đi học, em bé cũng theo đi học luôn. Người dân trong vùng thời đó còn chê nhà tôi nghèo còn sĩ. Suốt ngày chỉ biết đi học, không biết bắt con cá, săn bắt, làm ruộng… Sau này anh tôi đi làm, rồi đến chúng tôi, cuộc sống thay đổi nhờ sự học, người ta quay ra học tập họ Pờ đầu tư đi học”.

Ông Sinh chẳng nhớ nổi có bao nhiêu lần, anh em ông suýt bỏ mạng vì lội suối, vượt lũ và trở thành “mồi” cho các loài thú dữ ở nơi thâm sơn cùng cốc. Sau này, khi trở về với mảnh đất nơi “chôn nhau cắt rốn”, nhất là anh trai Pờ Dần Sinh đã ra tận huyện “đòi” thầy giáo về xã dạy học, thỏa mãn cho ước nguyện cả cộng đồng người Hà Nhì của ông đều biết chữ. Nhờ có kiến thức, anh em và gia đình ông là người tiên phong ở Sín Thầu khai hoang ruộng bậc thang, làm lúa nước, vận động bà con xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để từng bước thoát khỏi đói nghèo.

Từ dòng họ Pờ đi đầu, người Hà Nhì năng nổ làm theo, đến vùng sâu này đã đổi mới. Tuyến đường từ Mường Nhé đã nối vào bản Tả Kố Khừ, đi qua bản A Pa Chải, vượt qua cả bản mới Tá Miếu, góp phần làm thay đổi vùng đất cực Tây. Giờ mảnh đất này không còn quá xa xôi. Sín Thầu đang thay đổi từng ngày. Dòng họ Pờ vững vàng khẳng định nền nếp gia phong. Những cánh rừng vẫn tươi rói một màu xanh no ấm. Con suối Mo Phí vẫn rì rầm chảy dòng nước mát nuôi dưỡng cho cây cối xanh tốt. Và các chuyến thăm quan mảnh đất cực Tây này sẽ vẫn hấp dẫn khách thập phương đến khám phá.

ĐÔNG HỌC