Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Cô bé Vân Kiều vượt khó học giỏi

PV - 15:41, 13/11/2018

Nhà nghèo, bố mất sức lao động, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nhưng cô học trò người Vân Kiều Hồ Thị Giải, lớp 4A, Trường Tiểu học Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) luôn là tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập với thành tích 4 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi. 

Hồ Thị Giải là con thứ 2 trong gia đình thuần nông có 4 chị em ở bản 6, xã Thuận. Cuộc sống của gia đình em chỉ trông chờ vào mấy sào sắn, vì vậy dù bố mẹ em làm lụng rất vất vả nhưng cũng hết sức chật vật khi cố gắng nuôi 4 chị em ăn học. Biết bố mẹ vất vả, sau những giờ tan học trên lớp, Giải giúp đỡ bố mẹ và chị làm những công việc nhà như trông em, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa; chăn nuôi thêm gà, vịt để cải thiện bữa ăn của gia đình. Buổi tối, tranh thủ làm bài tập, Giải còn kèm 2 em nhỏ học bài.

 4 năm liền em Hồ Thị Giải là học sinh giỏi của Trường Tiểu học Thuận. 4 năm liền em Hồ Thị Giải là học sinh giỏi của Trường Tiểu học Thuận.

Với tính cần cù, siêng năng, chịu khó và ham học hỏi, Giải là học sinh Vân Kiều duy nhất tại trường 4 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi. Dù học ở lớp hay hoạt động tại trường, Giải luôn được thầy cô và bạn bè yêu quý không chỉ bởi sự siêng năng, ham học hỏi mà còn là đức tính ngoan hiền, dễ gần, dễ mến, hay giúp đỡ bạn bè, chăm chỉ dọn dẹp trường lớp.

Cô giáo Hoàng Thị Hiếu, Chủ nhiệm lớp 4A, Trường Tiểu học Thuận trìu mến khi nói về cô học trò nhỏ của mình: Tôi thật sự khâm phục ý chí, nghị lực vượt khó học tập của em Giải. Tôi và nhiều giáo viên, học sinh ở đây cũng cảm mến với sự ngoan hiền, lễ phép của em. Dù gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn, không có điều kiện học thêm nhưng với lòng ham học, nhiều năm liền Giải luôn là học sinh giỏi của trường.

Tại trường, Hồ Thị Giải là lớp trưởng gương mẫu, một học trò xuất sắc và ở nhà em là một đứa con hiếu thảo. Dù hoàn cảnh khắc nghiệt, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô bé Giải vẫn luôn nỗ lực học tập và không ngừng rèn luyện để biến ước mơ của mình thành hiện thực. Với nghị lực vượt khó, vươn lên đạt nhiều thành tích cao trong học tập, Hồ Thị Giải xứng đáng là tấm gương học sinh dân tộc tiêu biểu cho nhiều bạn nhỏ người Vân Kiều tại địa phương.

“Em sẽ cố gắng hết sức để học tập, rèn luyện, xứng đáng với sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè dành cho em. Em cũng mơ ước sau này sẽ tiếp tục được học lên cao hơn và thực hiện được ước mơ làm cô giáo…”, Giải chia sẻ mơ ước của bản thân.

Tuy nhiên, ước mơ của Giải hiện đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn vì điều kiện gia đình. “Thấy con nó ham học, vợ chồng tôi rất mừng. Nhưng những năm học qua, nếu không có sự giúp đỡ hết sức của thầy cô giáo, nhà trường và địa phương thì có lẽ con tôi đã nghỉ học. Bây giờ học tiểu học còn đỡ, nhưng sau này học lên thì không biết thế nào, khả năng của gia đình tôi chắc chắn không thể nuôi cháu ăn học đến nơi đến chốn được”, bà Hồ Thị Xuân, mẹ em Giải nói giọng trầm buồn.

Nhìn cô học trò gầy gò, đen nhẻm mang chiếc cặp to quá cỡ so với vóc dáng của em lầm lũi bước xuống căn nhà sàn cũ kỹ với đôi dép đứt quai được buộc tạm bằng sợi dây để đến trường, chúng tôi hiểu rằng chặng đường đến trường của Giải còn rất gian nan. Mong rằng, khát khao con chữ, ước mơ trở thành cô giáo của cô học trò giàu nghị lực Hồ Thị Giải sẽ thành hiện thực và em sẽ có một tương lai tươi sáng…

ĐỨC VIỆT

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.