Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển HTX: Tạo đột phá phát triển KTTT ở miền núi

SỸ HÀO - 22:25, 03/10/2019

Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi sẽ được Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội vào kỳ họp thứ 8 tới đây đề ra nhiều giải pháp, trong đó sẽ xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX). Đây là định hướng cần thiết để thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể (KTTT), tạo đột phá phát triển vùng DTTS và miền núi.

Ứng dụng công nghệ cao trồng rau muống thủy canh trong nhà màng tại HTX Rau, củ, quả sạch Mạnh Liên (Hương Nộn, Tam Nông, Phú Thọ).
Ứng dụng công nghệ cao trồng rau muống thủy canh trong nhà màng tại HTX Rau, củ, quả sạch Mạnh Liên (Hương Nộn, Tam Nông, Phú Thọ).

Số lượng chưa đi liền chất lượng

Những năm gần đây (nhất là sau khi Luật HTX 2012 có hiệu lực), số lượng HTX thành lập mới ở các địa phương vùng DTTS và miền núi tăng vọt. Chỉ tính riêng vùng trung du, miền núi phía Bắc (TDMNPB), theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), toàn vùng hiện có 3.371 HTX nông nghiệp, tăng 155% so với năm 2013.

Tuy nhiên, số lượng tăng không đồng nghĩa với chất lượng hoạt động của HTX nông nghiệp được nâng lên. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, ở vùng TDMNPB, thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX chỉ đạt 36,53 triệu đồng/người/năm (hơn 3 triệu đồng/tháng).

Đáng chú ý, HTX nông nghiệp vốn được xem là “bà đỡ” của kinh tế hộ, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng DTTS và miền núi. Nhưng rất khó để HTX nông nghiệp phát huy được vai trò, khi tiềm lực không đủ mạnh, nhất là vấn đề vốn.

Theo số liệu của Liên minh HTX Việt Nam, hiện chưa đến 20% HTX nông nghiệp có khả năng tự lực vốn. Còn theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện bình quân vốn điều lệ của các HTX nông nghiệp chỉ được 800 triệu đồng/HTX.

Xây dựng cơ chế mới để phát triển

Thiếu vốn được xem là “điểm nghẽn” lớn nhất để phát triển các HTX nông nghiệp. Huy động vốn từ xã viên rất khó khăn, còn việc tiếp cận vốn vay rất hạn chế, vì đa phần HTX nông nghiệp đều không có tài sản thế chấp. Thống kê của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, trong tổng số hơn 14.000 HTX nông nghiệp chỉ khoảng 0,5% HTX có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Trong khi đó, các địa phương cũng chưa chú trọng hỗ trợ vốn để phát triển HTX. Chỉ tính vùng TDMNPB, theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong 15 năm (2004-2018), 14 tỉnh trong khu vực này bố trí được 598,43 tỷ đồng để thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ HTX. Trong khi đó, toàn vùng hiện có 3.371 HTX; nếu chia bình quân thì mỗi năm, 1 HTX cũng chỉ được hỗ trợ hơn 16,6 triệu đồng để phát triển (!).

Trong các hội thảo góp ý vào Đề án Tổng thể đầu tư phát triển vùng DTTS và miền núi, việc hỗ trợ phát triển HTX đã được quan tâm bàn luận. Tại Hội thảo ngày 30/7/2019, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Nguyễn Văn Lý cho rằng, cần tổ chức sản xuất cho đồng bào DTTS theo mô hình HTX để người dân sản xuất theo chuỗi mới hiệu quả chứ để từng hộ sản xuất riêng lẻ thì rủi ro rất lớn về dịch bệnh, năng suất sản phẩm.

Mới đây (ngày 25/9), tại Hội thảo khoa học “Đánh giá hiệu quả các Chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS tại Việt Nam”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị Ngân hàng CSXH phối hợp với Ủy ban Dân tộc đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu cho các HTX ở vùng DTTS và miền núi vay tín dụng CSXH với cơ chế đặc thù để phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi. Trước mắt lập đề án xin thực hiện thí điểm nội dung này và cụ thể hóa trong Đề án Tổng thể tới đây trình Quốc hội.

HTX nông nghiệp vốn được xem là “bà đỡ” của kinh tế hộ, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng DTTS và miền núi. Nhưng rất khó để HTX nông nghiệp phát huy được vai trò, khi tiềm lực không đủ mạnh, nhất là vấn đề vốn.