Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Cô giáo người Tày với tấm lòng thiện nguyện vì học trò vùng cao

Hiếu Anh- Gia Hải - 17:24, 28/11/2021

Sinh ra và lớn lên ở vùng miền núi tỉnh Thái Nguyên, khi trở thành giảng viên của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, cô giáo dân tộc Tày Cao Thị Hoàn đã tổ chức được nhiều chương trình, hoạt động thiện nguyện, kêu gọi được hàng tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ các em học sinh nghèo vùng cao.

Điểm trường mầm non Bản Có được trang hoàng sạch sẽ
Điểm trường mầm non Bản Có được trang hoàng sạch sẽ

Đồng hành cùng tuyến đầu chống dịch

Cô giáo Cao Thị Hoàn
Cô giáo Cao Thị Hoàn

 Khi dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến nước ta, cô giáo Cao Thị Hoàn và những người quản trị viên của nhóm Đồng hành cùng các kỳ thi Học sinh giỏi Tiếng Anh, đã tổ chức thành công buổi hòa nhạc Online để kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ tiền và thiết bị y tế cho các địa phương, các bệnh viện để phòng, chống dịch Covid-19.

Đây là nhóm do cô Hoàn và một số người bạn lập ra để hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm chọn trường, chọn lớp cho các phụ huynh, học sinh khi các em chuẩn bị bước vào lớp 10. Hiện nay, nhóm có trên 110.000 thành viên.

Qua 2 buổi kêu gọi, tổng số tiền mọi người ủng hộ là khoảng 1 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền đó, đã được dùng để mua sắm trang thiết bị y tế như khẩu trang N95, găng tay y tế… gửi đến 10 bệnh viện tuyến đầu chống dịch Covid-19, trong đó có các xã vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều học sinh nghèo DTTS.

Cô Cao Thị Hoàn (SN: 1981, dân tộc Tày), tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường  Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau 2 năm làm chuyên gia tư vấn tâm lý, 2007 cô được mời về làm giảng viên tại khoa Lý luận Chính trị của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Từ năm 2009 đến nay, cô Hoàn là Thạc sĩ - Giảng viên khoa Sư phạm giáo dục nghề nghiệp - Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Lên núi xây trường

Không chỉ tích cực vận động chương trình phòng chống Covid-19, cô giáo dân tộc Tày Cao Thị Hoàn cũng đã kêu gọi được chương trình xây dựng điểm trường cho học trò mầm non vùng cao ở Bản Có, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Cô Hoàn là giáo viên nhiệt tình, năng nổ trong dạy học cũng như các phong trào thể dục thể thao, sáng tạo của nhà trường.

"Qua nhiều năm công tác, cô Cao Thị Hoàn cũng đã đạt được nhiều danh hiệu như chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở…".

Ông Trần Trọng ĐạtPhó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội

Tâm sự về chương trình này, cô giáo Hoàn cho biết, trong một lần xem chương trình “Điều ước thứ 7” trên ti vi, cô thực sự  xúc động, bởi những mong ước về mái nhà bớt thủng để lớp học không còn lênh láng nước, mong ước có bút vở để làm thêm nhiều bài tập… của các bạn học trò nghèo ở vùng cao.

Những đoạn phim ấy đã thôi thúc cô, cùng một số người bạn chung tay kêu gọi các mạnh thường quân kinh phí xây dựng điểm trường Bản Có vào năm 2021.

Cô Hoàn tâm sự: “Học trò miền nuí thiệt thòi rất nhiều so với học sinh dưới Thủ đô. Nếu các em không thể theo học được “con chữ”, tương lai sẽ mờ mịt hơn rất nhiều. Còn rất nhiều học sinh khó khăn cần giúp đỡ, nhưng các bạn ở đó gian khó hơn nên mình quyết định kêu gọi ưu tiên trước”.

Để thực hiện được kế hoạch và mục tiêu đã đề ra, cô Cao Thị Hoàn cùng một số người bạn đã tổ chức bán hàng Online và thu lợi nhuận xây dựng trường trên nhóm Đồng hành cùng các kỳ thi Học sinh giỏi Tiếng Anh.

Sau đó, cô Hoàn đã chia sẻ ý nguyện xây dựng chương trình thiện nguyện hỗ trợ học sinh khó khăn trên nhóm. Không bất ngờ, tất cả các thành viên của nhóm từ các bạn học sinh đến phụ huynh, thầy cô giáo cùng hưởng ứng.

Học sinh Bản Có được học tập trong môi trường khang trang
Học sinh Bản Có được học tập trong môi trường khang trang

Từ số tiền hơn 200 triệu đồng ủng hộ,  trường Bản Có đã được xây dựng vào cuối tháng 8/2021. Đến nay, trên 50 bạn học sinh tại điểm trường Bản Có đã có thể học trong ngôi trường 2 phòng học, có bếp ăn, sân chơi bê tông cùng nhà vệ sinh sạch sẽ.

Cô Lê Thị Dần, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bản Có bày tỏ, khi ngôi trường được tài trợ xây dựng mới, từ ban lãnh đạo nhà trường đến các giáo viên, học sinh, phụ huynh đều rất phấn khởi, vui mừng. “Từ nay, việc dạy và học của trường đã thuận lợi và đảm bảo hơn nhiều. Học sinh có thể đi học gần nhà hơn, tránh phải vượt qua quãng đường dài đầy hiểm nguy như trước…”, cô Dần nói.

Cô giáo Cao Thị Hoàn cho biết thêm, hiện nay, nhóm Đồng hành cùng các kỳ thi Học sinh giỏi Tiếng Anh của cô, sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình nhằm chia sẻ nhiều hơn tới trẻ em vùng DTTS như xây dựng điểm trường, thư viện cũng như tài trợ vật dụng thiết yếu giúp các bạn yên tâm đến trường.

Tin cùng chuyên mục
Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Gần 26 năm gắn bó với học sinh các DTTS ở xứ Nghệ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò miền núi vượt khó vươn lên, chinh phục ước mơ, tự tin bay ra “biển lớn”. Đồng thời, cô đóng góp quan trọng đưa trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng, không chỉ của tỉnh Nghệ An mà của cả hệ thống các trường Dân tộc nội trú trong toàn quốc.