Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Cô giáo Phụng ở bản Chênh Vênh

PV - 15:39, 24/12/2018

Đối với giáo viên vùng cao, nếu không đặt chữ tâm và nghĩa tình sâu nặng lên hàng đầu có lẽ sẽ không đủ bản lĩnh vượt qua khó khăn để đưa con chữ đến với các em học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng là một trong số đó. Cắm bản để trồng người, hết lòng với học sinh nơi xã vùng cao Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), tình cảm và tấm lòng cô Phụng được đồng bào Vân Kiều nơi đây trân trọng.

Cô giáo Phụng Cô giáo Phụng luôn gần gũi kèm cặp cho từng em học sinh người Vân Kiều ở điểm trường Chênh Vênh, xã Hướng Phùng.

Mặc dù đã có đường ô tô vào tận trung tâm xã, thế nhưng để vào được Hướng Phùng và điểm trường bản Chênh Vênh cũng phải mất hơn hai tiếng đồng hồ chạy xe máy với nhiều cung đường nguy hiểm. Trong câu chuyện, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng chia sẻ, quê cô ở huyện Triệu Phong. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Đại học ngành Sư phạm, cô đã tình nguyện xin về dạy học ở xã khó khăn Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa.

Mặc dù ngày mới nhận công tác, cô Phụng đã chuẩn bị tâm lý về những khó khăn sẽ phải đối mặt, tuy nhiên, không ít lần cô phải chạnh lòng vì cuộc sống của thầy cô giáo ở vùng sâu quá khó khăn, vất vả. Thế nhưng, nhìn những đứa trẻ miền núi đi chân trần đến trường, áo quần không lành lặn, mặt mũi lấm lem, đi học mà không có cặp, không có cả sách vở, bút, thước... trong lòng cô lúc này chỉ có suy nghĩ là phải quyết tâm làm được cái gì đó để giúp các em nhỏ nơi đây.

Thế rồi, qua các mối quan hệ bạn bè, người thân, cô Phụng đã nhờ sự giúp đỡ để mua sách và đồ dùng học tập cho các em… Bên cạnh đó, cô giáo Phụng đã lập riêng một kế hoạch để dạy học cho các em. Buổi sáng học ở lớp, buổi chiều các em ở lại trường để cô dạy kèm cặp miễn phí.

cô giáo Phụng Cô giáo Phụng thường xuyên đến từng nhà để động viên phụ huynh cho các em tiếp tục theo học.

Để duy trì sĩ số lớp, cô Phụng đã vận động các bậc phụ huynh triển khai mô hình bán trú dân nuôi. Cụ thể, buổi sáng cô vận động các gia đình chuẩn bị cơm và thức ăn cho các em. Sau khi học xong buổi sáng, các em ở lại ăn cơm trưa để buổi chiều cô kèm dạy học miễn phí…

Phụ huynh em Hồ Thoa, học sinh lớp 1 cho biết: “Từ ngày cô giáo bảo cho con ở lại trường kèm thêm tiếng Việt, gia đình yên tâm hơn vì có cô giáo Phụng chăm lo. Nhờ cô giáo mà cháu tiếp thu bài rất tốt. Ở trong bản ai cũng quý và cảm ơn cô Phụng nhiều lắm…”.

Thầy Hoàng Văn Sơ, Phó trưởng Phòng Giáo dục Hướng Hóa cho hay, cô Phụng là giáo viên đầu tiên mở ra mô hình bán trú dân nuôi ở địa phương. Nhờ có cô Phụng mà tình trạng học sinh bỏ học ngày càng giảm, các bậc phụ huynh yên tâm hơn khi để các cháu ở lại trường để theo học.

Cũng theo thầy giáo Sơ, cô giáo Phụng còn có vai trò quan trọng trong việc vận động con em người Vân Kiều đến trường đầy đủ. Cô Phụng còn là điển hình trong việc xây dựng mối quan hệ keo sơn giữa thầy cô giáo, học sinh và các bậc phụ huynh nơi đây. Ngành Giáo dục huyện ghi nhận những đóng góp của cô Phụng, hiện đang khuyến khích và hỗ trợ các trường trên địa bàn học tập mô hình “Bán trú dân nuôi” từ điểm trường Chênh Vênh nhằm thu hút duy trì sĩ số học sinh tới trường...

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ninh: Xem xét hỗ trợ 100% học phí năm học 2024 - 2025

Quảng Ninh: Xem xét hỗ trợ 100% học phí năm học 2024 - 2025

Năm học 2024 - 2025, tỉnh Quảng Ninh dự kiến chi 167 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ 100% mức thu học phí công lập cho 631 trường mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão lũ.