Những mùa lễ hội trước, công chúng xem truyền hình, đọc báo thấy ngán ngẩm trước cảnh tượng xô đẩy chen lấn để dự Lễ hội chùa Hương, chùa Ba Chúc, Bái Đính (phía Bắc), Lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang), Quán Âm Phật Đài, lễ hành hương linh mục Trương Bửu Diệp (Bạc Liêu), Lễ hội Nghinh ông ở Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang..., Nhiều người đi lễ nhưng thực chất là đi khoe của. Trong lúc đi lễ, hành lễ nhưng họ nói năng, phát ngôn thiếu văn hóa, ăn mặc phản cảm tại chốn tôn nghiêm. Người ta giẫm đạp lên nhau để cướp ấn, hái lộc, thậm chí hành hung, ẩu đả nhau để giành lấy sự “may mắn” mà tổ tiên ban phát một cách vô ý thức, vô văn hóa.
Tại một số điểm tham quan du lịch vẫn còn xảy ra tệ nạn bán hàng “chặt chém” du khách. Giá thuê xe, giữ xe, ăn uống tăng vùn vụt… Nạn móc túi, lừa đảo, mê tín dị đoan vẫn còn phổ biến. Nhiều địa phương tổ chức lễ hội rầm rộ, lãng phí nhưng chỉ tập trung vào hình thức nhưng quên đi việc giáo dục lịch sử giống nòi, cội nguồn dân tộc, truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn kính ông bà, hiếu thảo cùng cha mẹ.
Con số hơn 8.000 lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước mỗi năm đi kèm với số tiền quá lớn, quả đáng lo. Tiêu tốn để được gì nếu không có sự quản lý chặt chẽ, tổ chức đúng ý nghĩa, vừa mang tính tiết kiệm những vẫn giữ được cốt cách, nền văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam.
Từ năm 2020 đến nay xảy ra đại dịch Covid-19, hầu hết các lễ hội truyền thống ở nước ta đều phải dừng lại để bảo đảm an toàn công tác phòng chống dịch bệnh. Đây chính là thời cơ để chúng ta thanh lọc, loại bỏ bớt những lễ hội biến tướng. Chỉ giữ lại những lễ hội thiết thực với phần lễ đơn giản, ngắn gọn, trang trọng. Kinh phí lễ hội nên dùng để làm những việc có ích như trồng cây, lát vỉa hè, tạo cảnh quan thiên nhiên hay hỗ trợ những mảnh đời thiếu may mắn...