Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Cơ hội lập nghiệp cho thanh niên

PV - 08:46, 12/03/2018

Thực hiện Đề án 1956 về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định, từ nhiều năm nay, Trung tâm dạy nghề - giới thiệu việc làm thanh niên thuộc Tỉnh đoàn Bình Định đã đào tạo cho hàng chục ngàn thanh niên ở khu vực nông thôn, miền núi, giúp họ ổn định cuộc sống.

Ông Trần Hữu Hiệu, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm thanh niên cho biết: Những năm trước đây, đơn vị tuyển sinh theo hình thức tập trung lao động về học tại Trung tâm nên việc đào tạo chưa sát với nhu cầu thực tế. Từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh đã giao cho UBND các huyện chỉ đạo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm triển khai công tác dạy nghề tới những địa bàn cụ thể, dựa trên các tiêu chí: Có nhu cầu đào tạo nghề, các xã điểm xây dựng nông thôn mới, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước khi mở lớp đào tạo, Trung tâm thường phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu học của thanh niên gắn với đặc thù kinh tế tại địa phương, qua đó giúp học viên phát triển được những kỹ năng nghề sau đào tạo.

Giờ học thực hành điện dân dụng ở lớp học tại Trung tâm. Giờ học thực hành điện dân dụng ở lớp học tại Trung tâm.

Trong năm 2016, Trung tâm đã tập trung triển khai có hiệu quả công tác giải quyết việc làm sau đào tạo, đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp ở địa phương, ký kết hợp đồng hỗ trợ đào tạo và tuyển dụng lao động sau đào tạo với mức lương phù hợp để thanh niên tập trung học nghề.

Theo đó, Trung tâm đã tổ chức tuyển sinh tại 8/11 huyện thị, thành phố trong tỉnh cho lao động nông thôn theo nhu cầu học nghề của thanh niên và chỉ tiêu được giao của các đơn vị. Trung tâm đã khai giảng được một số lớp nghề cho gần 300 học viên tại các huyện Hoài Ân (35 học viên), Phù Cát (35 học viên), Vĩnh Thạnh (30 học viên), Tuy Phước (29 học viên), Hoài Nhơn (70 học viên), và Vân Canh (30 học viên)... Ngoài ra, Trung tâm cũng đã tổ chức được 1 lớp đào tạo nghề theo mô hình cho 35 học viên học nghề điêu khắc gỗ. Nhờ đó, nhiều người đã có việc làm và thu nhập ổn định.

Anh Trần Đình Quốc, dân tộc Chăm ở thị Trấn Vân Canh tham gia lớp học nghề điện dân dụng cho biết: Sau khi học nghề về anh tự mở một cửa hàng điện tại nhà, chuyên sửa chữa các loại đồ điện gia dụng như: quạt máy, nồi cơm điện, mô tơ bơm nước... nhờ công việc ổn định nên cuộc sống gia đình anh khấm khá lên nhiều.

Hay như chị Trần Thị Muôn, ở thôn M6, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, tham gia lớp may công nghiệp. Chị Muôn cho biết: Đầu năm 2016, trung tâm về xã mở lớp may công nghiệp nên tôi đăng ký tham gia học và được trung tâm giới thiệu vào làm tại Công ty May Tây Sơn, với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, tôi đã tự lo được cho cho bản thân mình mà còn phụ giúp thêm cho gia đình.

Bên cạnh việc tổ chức các lớp đào tạo nghề tại chỗ, Trong thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề Giới thiệu việc làm thanh niên còn liên kết với các đơn vị khác, tổ chức liên kết đào tạo nghề. Trên cơ sở chỉ tiêu được UBND tỉnh giao cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2016, Trung tâm đã liên kết với 4 đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp của tỉnh tổ chức khai giảng và đào tạo nghề cho gần 800 công nhân.

Những tháng đầu năm 2017, Trung tâm tiếp tục triển khai thêm nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, đồng thời tư vấn và giới thiệu việc làm cho hàng trăm lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp.

Theo ông Hiệu, thời gian qua, việc triển khai công tác đào tạo xuống từng địa bàn giúp cho việc phân bổ chỉ tiêu dạy nghề sát với nhu cầu thực tiễn. Chính quyền địa phương nắm được địa bàn nên việc quản lý học viên cũng tốt hơn.

Bên cạnh đó, nhờ sự giám sát và phối hợp qua lại giữa UBND các huyện, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội và Trung tâm Dạy nghề nên chất lượng đào tạo cũng được nâng lên đáng kể. Từ chương trình đào tạo, nhiều thanh niên ở các vùng nông thôn đã ý thức được tầm quan trọng của việc học nghề và họ có cơ hội để làm việc trong các công ty, doanh nghiệp.

Có thể nói, đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn là một chủ trương lớn, hết sức đúng đắn của Nhà nước và hiệu quả mang lại là khá rõ ràng. Tuy nhiên, để chương trình này phát huy hiệu quả hơn nữa, cần phải có những giải pháp để khắc phục một số bất cập như: Việc phân bổ chỉ tiêu và ngân sách chưa bám sát nhu cầu thực tế. Một số địa phương có nhu cầu cao nhưng lại thiếu chỉ tiêu, ngược lại nhiều nơi không có người học.

Vì thế, cơ quan đào tạo nghề cho người lao động cần phải khảo sát nhu cầu trước khi phân bổ chỉ tiêu và ngân sách. Ngoài ra, các doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động cần phân biệt rõ giữa những người đã học nghề và những người chưa qua đào tạo, tránh tuyển một cách ồ ạt làm cho người lao động chủ quan. Như vậy, chất lượng lao động sẽ được nâng lên, đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra.

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, các trường học ở miền núi Quảng Ngãi đã mở lớp đào tạo hát múa dân ca, đánh chiêng… trong học đường. Điều này vừa tạo sự thích thú cho học sinh, vừa góp phần gìn giữ văn hoá truyền thống.