Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Có một Kinh Bắc giàu truyền thống văn hóa

Hoàng Khánh Duy - 15:48, 07/08/2023

“Em ơi buồn làm chi/Anh đưa em về sông Đuống/Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ”... Đó là những câu thơ trong bài "Bên kia sông Đuống" tôi được học ngày xưa mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ. Cũng từ những câu thơ ấy, tôi đem lòng yêu mến vùng đất Kinh Bắc và ước ao một lần được đến với nơi này, ngắm dòng sông Đuống êm trôi, ngắm nhìn những bãi mía, nương dâu, những mái chùa nhuốm màu thời gian ngủ yên dưới bóng cây đa già cổ thụ.

Các liền anh, liền chị biểu diễn dân ca Quan họ tại sân chùa
Các liền anh, liền chị biểu diễn dân ca Quan họ tại sân chùa (Ảnh tư liệu)

Khi đã có những trải nghiệm nhất định trong đời, theo dòng văn chương, tôi tìm về Kinh Bắc. Kinh Bắc là một vùng văn hoá được bồi đắp bởi hai dòng sông Đuống, sông Cầu, thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay, là quê hương của làn điệu dân ca quan họ và biết bao giá trị tinh thần được hun đúc và gìn giữ tự ngàn đời nay. Khoảnh khắc ngồi trên xe đi dọc con đê là dấu tích của nền văn minh lúa nước xa xưa, những câu thơ của Hoàng Cầm cứ văng vẳng bên tai tôi. Dưới bóng văn chương, đôi chân tôi đã bước đi trên nền của văn hoá Kinh Bắc. Con đê uốn lượn, hai bên là bóng tre, bóng trúc xanh rì, toả bóng mát che chắn những đàn bò thung thăng gặm cỏ. Dòng sông Đuống trắng xoá thấp thoáng hiện ra sau màu xanh của tre trúc.

Tôi yêu Kinh Bắc không phải vì đây là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi mà bởi vì Kinh Bắc là cái nôi của văn hoá dân tộc. Quê hương tôi nằm ở miền Nam xa xôi, nói đúng hơn là vùng sông nước Tây Nam Bộ mới được hình thành cách đây khoảng 300 năm. Ngược đường ra Bắc, tôi mang trong tim khát vọng khám phá chiều sâu văn hoá của đất nước mình. Giáp mặt với xứ sở Kinh Bắc, trái tim tôi như vỡ ra trong lồng ngực, một cảm xúc vừa duy mỹ, vừa thiêng liêng vô cùng khi tôi bắt gặp những gì mình đã từng được nghe, được đọc trong văn chương nghệ thuật. Cuộc sống hiện đại không làm mất đi vẻ truyền thống, không làm mai một những giá trị văn hoá tốt đẹp của vùng đất nằm giữa đôi dòng sông Đuống, sông Cầu này. Tôi chỉ tiếc rằng, mình không trông thấy Những cô hàng xén răng đen/Cười như mùa thu toả nắng”, trong bộ áo tứ thân thướt tha, chít khăn mỏ quạ, dịu dàng bước đi trong nắng vàng Kinh Bắc.

Chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh) - ngôi chùa lâu đời, minh chứng cho bề dày văn hoá Phật giáo ở nước ta
Chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh) - ngôi chùa lâu đời, minh chứng cho bề dày văn hoá Phật giáo ở nước ta.

Chùa Bút Tháp nằm giữa làng mạc bình yên. Một ngôi làng cổ không biến đổi bao nhiêu, như thể cái thế giới Kinh Bắc ấy được phong kín trong bức tường vô hình và người xưa đã ném chìa khoá xuống dòng sông Đuống, để những luồng văn hoá khác và vòng xoáy hiện đại không thể nào xâm nhập được. Tất cả những giá trị xưa cổ ấy vẫn ngủ yên dưới mái ngói nâu trầm, nhuốm màu thời gian. Chùa Bút Tháp nằm ở huyện Thuận Thành, ngôi chùa được xây cất theo kiểu truyền thống của chùa chiền Bắc Bộ, nơi có pho tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, được công nhận là bảo vật quốc gia, niềm tự hào của dân tộc ta. Ngày tôi đến thăm chùa Bút Tháp không vào tháng hội hè đình đám nên chùa khá vắng, tôi một mình bước đi trên từng viên gạch, quan sát kiến trúc, cảm nhận sự yên tĩnh của ngôi chùa và sự bình lặng, thanh thản trong tâm hồn mình. Tôi bỗng nhớ những câu thơ mà nhà thơ Hoàng Cầm đã viết:

“Ai về bên kia sông Đuống/Cho ta gửi tấm the đen/Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên/Trên núi Thiên Thai/Trong chùa Bút Tháp/Giữa huyện Lang Tài/Gửi về may áo cho ai/Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu”…

Không gian yên tĩnh, mát mẻ và cổ kính trong Chùa Bút Tháp
Không gian yên tĩnh, mát mẻ và cổ kính trong Chùa Bút Tháp

Tôi đã chạm tay mình vào từng chiếc cột gỗ lim, từng tấm ván “biết nói”, nhắc nhớ về chiều dài thời gian lịch sử và văn hoá, chạm tay vào từng mái ngói rêu mềm, chợt nghe đâu đó tiếng vọng của thời gian, của quá khứ trở về. Đến đây, tôi được quay về với nguồn cội của dân tộc mình. Tôi ngồi dưới mái chùa mát rượi, trước sân vàng rực màu lúa chín đang phơi. Tôi đã đọc trọn vẹn bài thơ “Bên kia sông Đuống” để cảm nhận cho kỳ hết nét đẹp của vùng văn hoá này, lắng nghe tiếng nói vọng về từ trái tim của người con của mảnh đất Thuận Thành (Bắc Ninh) - Hoàng Cầm. Chính tôi cũng không ngờ rằng, có một ngày tôi lại được đọc bài thơ tôi yêu trong chính không gian sáng tác ra nó.

Những ngôi chùa bình yên, mái khói nâu trầm, chuông chùa văng vẳng. Những làng mạc im lìm. Những hồ bán nguyệt. Những đêm trăng soi rọi làm lung linh những trầm tích thuở nào ông cha ta đã tạo tác, sinh thành và nỗ lực bảo vệ để ngày hôm nay, thế hệ của chúng tôi lặng lẽ tìm về - một cuộc trở về ý nghĩa hơn bất kỳ cuộc trở về nào.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Quan họ Đương Xá, phường Vạn An, TP. Bắc NInh, tỉnh Bắc NInh
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Quan họ Đương Xá, phường Vạn An, TP. Bắc NInh, tỉnh Bắc Ninh (Ảnh tư liệu)

Đến đây, tôi đủ hiểu rằng, người Kinh Bắc đã yêu những giá trị văn hoá cổ truyền đến độ nào. Ngày nay, mặc cho những giá trị tức thời, những vết nứt hiện đại xẹt ngang mảnh ván truyền thống, song giai điệu tình tứ của Tương phùng tương ngộ, khúc hát giã bạn Người ơi người ở đừng về, Bèo dạt mây trôi… vẫn còn vang mãi. Những người Kinh Bắc mái đầu bạc trắng đã và đang gieo hạt mầm văn hoá trong tâm hồn của những chàng trai, cô gái tóc xanh...

Tôi rời Kinh Bắc. Chiều nắng đẹp. Ánh sáng của văn hoá vẫn lấp lánh trong tâm tưởng của tôi. Tôi ngoái lại và nói một lời hò hẹn:

“Bao giờ về bên kia sông Đuống/Anh lại tìm em/Em mặc yếm thắm/Em thắt lụa hồng/Em đi trẩy hội non sông/Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”…