Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Có một ký túc xá biên cương như thế...

Tào Đạt - 15:13, 15/11/2023

Việc thực hiện mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá biên cương” của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) trong thời gian qua, đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Một buổi tập thể dục buổi sáng của các em học sinh dân tộc Đa Lai với các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn.
Một buổi tập thể dục buổi sáng của các em học sinh người Đan Lai với các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn.

Mô hình xuất phát từ tình thương 

5 giờ 30 phút sáng, tại khu ký túc xá của Trường THCS Môn Sơn (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), Thiếu tá Phan Văn Thắm - nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Môn Sơn lại thổi còi báo hiệu. Như đã thành thói quen, 82 em học sinh là người Đan Lai đang ở nội trú tại đây đã đồng loạt thức giấc, nhanh chóng có mặt trước sân.

“Các con! 4 hàng ngang tập hợp” - khẩu lệnh từ Thiếu tá Phan Văn Thắm hô vang dứt khoát. Nghe vậy, những bước chân thoăn thoắt của các em học sinh đã xếp hàng ngay ngắn, thực hiện những động tác tập thể dục dứt khoát, thành thục. Chứng kiến những hình ảnh này, chúng tôi tưởng đây là khung cảnh tại một doanh trại Quân đội.

Tập thể dục buổi sáng xong, các em học sinh sẽ làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng, sau đó được các cô chú Bộ đội Biên phòng đưa đến trường để học tập. Một ngày tại khu ký túc xá này đều bắt đầu như vậy.

Sở dĩ lại có những hình ảnh đẹp trên là do Đồn Biên phòng Môn Sơn hiện đang triển khai mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá biên cương” tại đây.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, Thiếu tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Môn Sơn, cho biết: Đa số học sinh của Trường THCS Môn Sơn là người Thái, sinh sống ở các bản lân cận và giao thông đến trường cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, trường có con em người Đan Lai - một trong những dân tộc thiểu số rất ít người của cả nước, chỉ phân bố tại Nghệ An. Gia đình các em ở bản Khe Búng và bản Cò Phạt nằm sâu trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Khi học tiểu học, các em có điểm trường lẻ trong bản, nhưng lên THCS thì phải ra trung tâm xã với quãng đường 15-20km đèo dốc hiểm trở hoặc ngồi thuyền vượt sông Giăng.

Để giúp đỡ học sinh Đan Lai, từ năm 2018, các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã quan tâm xây dựng khu nội trú riêng để các em ổn định chỗ ở đi học. Bên cạnh đó, các em được hỗ trợ chế độ tiền ăn theo quy định của Nhà nước. Khu ký túc xá được xây dựng có đầy đủ tiện nghi, được sắp xếp có khu nhà ăn tập trung. 

Khu nhà ở được thiết kế xây dựng 2 tầng, phòng ngủ có vệ sinh khép kín, mỗi phòng được bố trí 4 giường tầng cho 8 em học sinh. Các em ở khu ký túc xá này, 100% thuộc hộ nghèo nên phụ huynh hầu như không có điều kiện chăm lo cho con cái đi học xa nhà. Mọi vấn đề từ học tập, sinh hoạt đều do nhà trường phụ trách.

Năm 2019, Trường THCS Môn Sơn phối hợp cùng Đồn Biên phòng Môn Sơn thành lập tổ công tác “cắm trường” đặc biệt. Tổ công tác gồm có 3 cán bộ thuộc Đồn Biên phòng Môn Sơn thường xuyên đến trường cùng Ban giám hiệu và thầy cô giáo quản lý, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh... Đi vào hoạt động, tổ công tác của đội vận động quần chúng đã tích cực thực hiện công tác quản lý, duy trì chế độ, giờ giấc trong ngày, tuần cho các học sinh người Đan Lai tại khu nội trú. 

Năm 2021, Đồn biên phòng đã phối hợp cùng Trường THCS Môn Sơn, UBND xã chính thức ra mắt mô hình "Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên". Mô hình mới được ra đời trên cơ sở kế thừa, có bổ sung rõ hơn những quy định, yêu cầu, nhiệm vụ giải pháp mới và kế thừa mô hình "Con nuôi đồn biên phòng". Nếu như trước đây, Đồn chỉ có 4 người "con nuôi" là học sinh người Đan Lai thì bây giờ Đồn đã có tới 82 người con nuôi.

Thiếu tá Phan Văn Thắm hướng dẫn các con thực hiện nội vụ, gấp xếp chăn, màn
Thiếu tá Phan Văn Thắm hướng dẫn các con thực hiện nội vụ, gấp xếp chăn, màn

“Sống tại ký túc xá này, các cô chú Bộ đội Biên phòng sẽ duy trì nền nếp cho các cháu học sinh như Bộ đội. Các cháu được phân phòng nam và nữ ở riêng. Cùng với đó, các cô chú Bộ đội Biên phòng sẽ tổ chức sinh hoạt văn nghệ, các trò chơi. Các cô chú có thời gian rảnh là lại xuống với các cháu và bổ sung thêm cho các cháu kiến thức, còn buổi chiều hàng tuần thì bố trí thời gian xuống dạy cho các cháu kỹ năng sống”, Thiếu tá Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Chung tay ươm những mầm xanh 

Để duy trì mô hình này, ban đầu, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã tự đóng góp kinh phí. Sau này, khi câu chuyện về ký túc xá được biết đến rộng rãi, nhiều mạnh thường quân và các tổ chức thiện nguyện cũng đến cùng chung tay thực hiện.

“Trước chưa lan tỏa được thì chỉ có một số nhà từ thiện họ đến đóng góp mì tôm thì sáng là các chú Bộ đội nấu mì tôm cho các cháu. Giờ thì nhiều tổ chức họ đã đến đóng góp tiền để nâng chất lượng bữa cơm, giúp các cháu đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để có sự phát triển tốt hơn. Chi phí bữa ăn của các cháu hiện đã nâng từ 18 nghìn đồng lên được 30 nghìn đồng/ngày, còn các khoản kinh phí khác Đồn đứng ra để kêu gọi. Chăn màn để các cháu đắp đều là của anh em Bộ đội. Cụ thể, hằng năm cán bộ chiến sĩ của Đồn có chăn màn phát mới là sẽ nhường lại cho các cháu”, Thiếu tá Nguyễn Văn Bình tâm sự.

Các em học sinh Đa Lai coi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn như những người bố, mẹ thứ hai.
Các em học sinh Đan Lai coi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng như những người bố, mẹ thứ hai.

Được phân công phụ trách Tổ công tác đặc biệt tại khu ký túc xá của Trường THCS Môn Sơn từ năm 2019, Thiếu tá Phan Văn Thắm vừa trực tiếp phối hợp với nhà trường duy trì nền nếp, chế độ học tập, vừa giúp đỡ, hướng dẫn các học sinh người Đan Lai trong quá trình sinh hoạt và học tập. Đây thực sự là nhiệm vụ hết sức khó khăn với bản thân Thiếu tá Thắm. 

Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm và trách nhiệm của người lính, anh đã chủ động tìm tòi, học hỏi cách làm, kinh nghiệm của các trường thiếu sinh quân, các khóa học trong học kỳ Quân đội..., từ đó, áp dụng các nội dung phù hợp với khu ký túc xá bán trú.

"Chúng tôi đã coi các cháu như con ruột của mình để dồn hết tình cảm yêu thương nhất, luôn theo dõi từng bữa ăn, giấc ngủ, ốm đau", Thiếu tá Thắm nói.

Từ khi có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đồn Biên phòng, những học sinh Đan Lai ra học đã "yêu trường, yêu lớp" nhiều hơn, không còn tình trạng bỏ học giữa chừng. Các học sinh đều không muốn mình phải sống biệt lập mà muốn được học cao hơn, được ra huyện, về thành phố.

Các bố Biên phòng thương xuyên chăm lo, theo dõi từng bữa ăn giấc ngủ cho các học sinh
Bộ đội Biên phòng thường xuyên chăm lo, theo dõi từng bữa ăn giấc ngủ cho các học sinh

Để duy trì nền nếp học tập ở khu ký túc xá, Thiếu tá Thắm đã xây dựng thời gian biểu trong ngày. Theo đó, buổi sáng, anh gọi các em dậy tập thể dục bằng hiệu lệnh còi; sau đó, hướng dẫn các em gấp chăn màn, vệ sinh nhà cửa, cá nhân, chủ động ăn uống, chuẩn bị sách vở, đến trường học tập.

Buổi trưa, anh duy trì cho các em ăn cơm, ngủ nghỉ và đến giờ buổi chiều lên lớp học tập. Sau buổi học chiều, các em vui chơi thể dục, thể thao, trồng và chăm sóc rau xanh để bổ sung thêm dinh dưỡng cho bữa ăn. Buổi tối, các em được hướng dẫn ôn bài và đi ngủ đúng giờ. Vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, một số em xin phép về thăm nhà, số còn lại ở ký túc xá vẫn được duy trì và hướng dẫn tham gia các hoạt động phù hợp.

Nhằm trang bị thêm kỹ năng cho các em, Thiếu tá Thắm đã phối hợp với nhà trường thành lập một Tổ văn nghệ gồm 12 học sinh; đồng thời tham mưu, đề xuất chỉ huy đơn vị tổ chức cho đoàn viên, thanh niên của đơn vị phối hợp với Đoàn thanh niên xã và các chi đoàn bạn, tổ chức mỗi tháng một lần giao lưu văn hóa, văn nghệ tại trường. Để động viên học sinh, hằng tháng, anh Thắm tổ chức bình xét để biểu dương, khen thưởng các em gương mẫu trong học tập, sinh hoạt.

Trong thời gian gắn bó với các em học sinh, Thiếu tá Phan Văn Thắm mãi nhớ một kỷ niệm vào tối 13/5 vừa qua, em Ngân Văn Trọng, học sinh lớp 7A2, ở khu ký túc xá kêu đau bụng. Ngay sau đó, anh đã có mặt để xoa dầu gió, nhưng Trọng vẫn kêu đau dữ dội hơn. Trong đêm, anh đã tức tốc đưa Trọng đến bệnh viện để cấp cứu. 

"Trọng được các bác sĩ chẩn đoán viêm ruột thừa cấp và phải mổ ngay. Đến 12 giờ đêm, ca mổ diễn ra thành công. Các bác sĩ nói, nếu chậm chút nữa là sẽ nguy hiểm đến tính mạng của Trọng”, anh Thắm tâm sự.

Thiếu tá Phan Văn Thắm bế em Ngân Văn Trọng đi cấp cứu.
Thiếu tá Phan Văn Thắm bế em Ngân Văn Trọng đi cấp cứu.

Đến thời điểm này, các em học sinh Đan Lai đã mạnh dạn, tự tin hơn, không còn bỡ ngỡ, e ngại như những ngày đầu. Việc sinh hoạt, học tập đã đi vào nền nếp; không có học sinh bỏ học giữa chừng; đặc biệt là các em đã biết tự lập hơn trong các hoạt động. Các em luôn coi Thiếu tá Thắm như người cha thứ hai của mình.

Em La Vi Đạt (học sinh lớp 8, Trường THCS Môn Sơn) chia sẻ: “Em được bố Thắm dạy cho nhiều điều bổ ích và được sinh hoạt vui chơi với các bạn nên em cũng đỡ nhớ nhà, yên tâm học tập”.

Còn đối với em La Thị Chi (học lớp 7, Trường THCS Môn Sơn) thì những bát mì buổi sáng do các cô chú Biên phòng làm, là món ăn em yêu thích nhất. Với giọng nói ngây thơ, cô bé cho biết, bố mẹ đều làm nương rẫy, gia đình nghèo nên món mỳ tôm trước đây hiếm khi em được ăn. Nhà cũng cách trường 20km đường núi, nên nếu không có ký túc xá thì có lẽ em đã phải nghỉ học.

“Về ở ký túc xá học, cháu và các bạn vui lắm. Ở đây, cháu được các bố Biên phòng bày cho học, lao động, tập thể dục, được cho ăn no. Các bố rất hiền, luôn trò chuyện và nói các con cần chịu khó học tập để mai kia có cuộc sống tốt hơn", Chi cho hay.

Đánh giá về mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá biên cương”, thầy Nguyễn Văn Vị - Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn, cho biết: Từ khi có mô hình này, các em học sinh Đan Lai đã ra đi học đầy đủ. Khi đến với ký túc xá, các đồng chí Bộ đội Biên phòng đã bày cho các em kỹ năng sống và chăm sóc các em rất tốt. Sự giúp đỡ này của các đồng chí Bộ đội Biên phòng là cực kỳ hiệu quả”.

Để mô hình "Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên" ngày càng đi vào chiều sâu, Nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cán bộ tăng cường phối hợp kiểm tra, đôn đốc, quản lý các cháu học tập, sinh hoạt; nắm và trao đổi, đề xuất kịp thời về những vướng mắc, vấn đề mới nảy sinh trong quá trình các cháu học ở trường và sinh hoạt ở khu ký túc xá; biểu dương, khen thưởng kịp thời.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.