Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Cô sinh viên dân tộc Thổ: Viết tiếp ước mơ của mẹ

Hiếu Anh - 15:39, 18/12/2020

Đỗ Đại học Luật Hà Nội với 31 điểm, Mai Thị Quỳnh Trang, cô gái dân tộc Thổ, làng Mai Thịnh, xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An chút nữa thôi đã phải khép lại ước mơ vào đại học do hoàn cảnh quá khó khăn. Nhưng, hành trình đến trường của Trang không đơn độc, bởi còn đó những tấm lòng thơm thảo, những trái tim nhân hậu sẵn sàng sẻ chia đã tiếp sức cho em trên con đường đến với ước mơ.

Quỳnh Trang trong buổi Lễ vinh danh học sinh của UBND tỉnh Nghệ An
Quỳnh Trang trong buổi Lễ vinh danh học sinh của UBND tỉnh Nghệ An

Đến trường bằng những tấm lòng nhân ái

Đôi mắt trong veo, tiếng nói nhẹ nhàng, cùng với một tinh thần lạc quan là những ấn tượng đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với cô gái mới 18 tuổi này. Thế nhưng, chính sự vô tư, trong sáng của em khiến chúng ta khó mà tưởng tượng được, đằng sau đó là những tháng ngày cơ cực, những gánh nặng cơm áo và tinh thần vượt khó của Trang.

Nhà Trang ở một vùng miền núi hẻo lánh thuộc diện đặc biệt khó khăn của Nghệ An nên trong ký ức của em, con đường đến trường là những đoạn cua tay áo khúc khuỷu, chỉ toàn là đá. Năm lên 16 tuổi, khi mới bước chân vào Trường THPT Cờ Đỏ, Trang đã phải nhận một tin dữ tưởng chừng quá sức chịu đựng, đó là mẹ em bị ung thư giai đoạn cuối.

Nhà nghèo lại đông con, gia đình em vốn khó lại chồng thêm khó. Trong nhà có được đồ đạc gì đều phải quy ra tiền thuốc chạy chữa cho mẹ. Bố em nửa tháng đi làm thuê, nửa tháng lại phải đưa mẹ đi khắp các bệnh viện từ tuyến huyện, tỉnh đến Trung ương để chữa bệnh. Vậy là những ngày bố mẹ vắng nhà, bao nhiêu nỗi lo toan vất vả chăm sóc dạy bảo các em dồn hết trên đôi vai người chị cả 16 tuổi. Những ngày hè, nghỉ lễ, chủ nhật, Trang cũng đi bóc mía thuê, nhặt cỏ lúa để phụ giúp gia đình.

Dù khó khăn, bận rộn là vậy nhưng cũng không làm suy chuyển tinh thần của cô học trò xứ Nghệ. 12 năm đi học phổ thông là 12 năm Trang đạt học sinh giỏi. Đặc biệt, trong Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Trang đạt 28,25 điểm khối C, tính cả điểm cộng là 31 điểm.

Trang tâm sự, khi biết điểm thi, em đã giấu bố chạy ra sau nhà mà khóc. Khóc bởi sung sướng, bởi hạnh phúc khi biết mình đạt số điểm cao ngoài mong đợi. Nhưng giọt nước mắt ấy cũng chứa đựng những lo âu,  bởi em nghĩ, hành trình đi học của mình chắc đành phải khép lại.

Nhưng không !

Hành trình của em đã được tiếp tục. Bởi ngoài tình thương của gia đình, em còn có sự hỗ trợ, tiếp sức của cộng đồng xã hội. Biết được hoàn cảnh của em, nhiều cá nhân, tổ chức đã tìm tới tài trợ, động viên cả  tinh thần và vật chất.

Trang cho biết, đến tận bây giờ em vẫn không biết tên tuổi của nhiều nhà tài trợ. Bởi họ đến tìm gặp em hỗ trợ một cách lặng lẽ, không cho em biết tên, vì họ không muốn em phải mang ơn. Thế nhưng có một điều chắc chắn em biết rằng, trong xã hội vẫn luôn luôn có những người tốt. Và em không thể hoang phí những đồng tiền này bởi đó chính là hiện thân của tấm lòng nhân ái.

Ngày tuyên dương, em sẽ mặc áo mẹ may

Không chỉ nhận được sự hỗ trợ bằng vật chất của các cá nhân, tổ chức, Mai Thị Quỳnh Trang còn nhận được ghi nhận, biểu dương bởi các cơ quan nhà nước. Vào tháng 9 vừa qua, em đã được UBND tỉnh Nghệ An vinh danh trong Lễ tuyên dương học sinh đạt giải quốc tế, quốc gia và đạt kết quả cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Mai Thị Quỳnh Trang trong ngày tốt nghiệp THPT
Mai Thị Quỳnh Trang trong ngày tốt nghiệp THPT

Sắp tới đây, Mai Thị Quỳnh Trang lại tiếp tục được biểu dương tại Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2020 .

Chia sẻ về cảm xúc khi chuẩn bị tham dự Lễ tuyên dương, Quỳnh Trang cho biết, em vô cùng bất ngờ và xúc động. Bởi, đây là lễ vinh danh lớn nhất em được tham gia. Đây thật sự là một niềm vinh dự, tự hào quá lớn đối với em.

Trang cũng cho biết, em sẽ mặc chiếc áo của mẹ may đến dự lễ vinh danh: “Chiếc áo truyền thống của dân tộc Thổ do chính tay mẹ em may khi tròn 18 tuổi. Ngày ấy, có lẽ mẹ em cũng tràn đầy dự định, ước mơ học chữ, nhưng vì cái đói, cái nghèo bủa vây nên đành bỏ dở việc học. Giờ đây, em muốn mặc chiếc áo của mẹ để tiếp tục thực hiện ước mơ dở dang của mẹ. Ước mơ của mẹ cũng là ước mơ của nhiều người dân DTTS và miền núi sống ở vùng sâu vùng xa trên cả nước còn đang gặp khó khăn. Mặc chiếc áo truyền thống của mẹ, em cũng ước mong hơi ấm của mẹ sẽ truyền cho em để tự tin sánh bước với bạn bè, nỗ lực nhiều hơn nữa”.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.