Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

“Cơn bão” Covid-19 đã thay đổi tôi như thế nào?

Lê Vũ - 14:06, 02/11/2021

Đại dịch Covid-19 vừa qua, với tâm dịch là TP. Hồ Chí Minh đã gây ra nhiều mất mát, khó khăn cho xã hội. Đời sống của đại bộ phận người dân đều bị đảo lộn và ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong “cơn bão” đó, ở một góc nhìn khác, rất nhiều người - đặc biệt là các bạn trẻ đã có những trải nghiệm sống hoàn toàn mới, một sự đổi thay tích cực từ tư duy, cách sống, công việc…

Trong suốt thời gian dịch bùng phát, shop hoa của Mai Hương đã trở thành nơi tập kết và trung chuyển lương thực, rau củ, nhu yếu phẩm của các nhóm thiện nguyện đến với những người khó khăn
Trong suốt thời gian dịch bùng phát, shop hoa của Mai Hương đã trở thành nơi tập kết và trung chuyển lương thực, rau củ, nhu yếu phẩm của các nhóm thiện nguyện đến với những người khó khăn

Vừa di dời, trang hoàng xong cửa tiệm hoa, trà và quà tặng xinh xắn tại một mặt bằng trên đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh) sau hơn 1 năm chật vật vì ảnh hưởng của Covid-19, Trần Thị Mai Hương đã phải tạm thời khép lại công việc kinh doanh và cũng là đam mê của mình, khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát vào tháng 5/2021. Những tưởng sẽ là một cú sốc lớn cho cô bạn trẻ chuyên viên truyền thông này trong lần đầu khởi nghiệp, nhưng ngay sau đó, người thân và bạn bè đã nhanh chóng gặp lại một Mai Hương rất khác trong tâm dịch.

Shop hoa phải đóng cửa vì giãn cách đã trở thành nơi tập kết lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, do chính Hương bỏ tiền túi ra mua và vận động từ gia đình, người thân của mình để phân phát, giúp đỡ cho những người gặp khó khăn. Đồng thời, đây cũng trở thành nơi trung chuyển thực phẩm và thuốc men của các nhóm thiện nguyện.

Và cứ thế, bóng dáng nhỏ bé của Mai Hương đã có mặt ở khắp nơi, trong "cơn bão" dịch cần sự trợ giúp, thậm chí nhiều người thân tỏ ra e ngại, lo lắng cho sự an toàn của cô. Nhưng Mai Hương tâm niệm, thay vì ngồi đó ủ rũ vì những gì mình không làm được, thì hãy sống tích cực hơn và làm những điều tốt đẹp cho mọi người, tùy theo sức lực của bản thân.

Những điều tốt đẹp đôi khi không chỉ là vật chất, mà quý giá nhất còn là những giá trị về tinh thần. Có thể chỉ là vài ba cái bánh, dăm chiếc lồng đèn cho một mùa Trung thu rất khác để động viên các em nhỏ trong mùa dịch. Hay một bó hoa tươi do chính tay Hương thực hiện, dành cho một đám cưới online bình dị tại bệnh viện dã chiến, nơi cô dâu phải tăng cường hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch tại miền Nam, chú rể thì đang ngoài Bắc. Giá trị của cuộc sống, đôi khi chỉ được nhận ra trọn vẹn, khi con người ta biết cách cho đi.

Mai Hương (hàng đầu bên trái) đã lên ý tưởng và tham gia tổ chức đám cưới trực tuyến cho cô dâu Ngọc Diệp (điều dưỡng tại bệnh viện dã chiến số 16, quận 7, TP. Hồ Chí Minh và chú rể Quang Huy tại Hà Nội vào cuối tháng 9/2021
Mai Hương (hàng đầu bên trái) đã lên ý tưởng và tham gia tổ chức đám cưới trực tuyến cho cô dâu Ngọc Diệp (điều dưỡng tại bệnh viện dã chiến số 16, quận 7, TP. Hồ Chí Minh và chú rể Quang Huy tại Hà Nội vào cuối tháng 9/2021

Trở lại với công việc tất bật khi nhịp sống của thành phố đang dần bình thường mới, Mai Hương tâm sự: “Dịch Covid-19 đã làm mình đổi thay rất nhiều, khi phải chứng kiến mọi người xung quanh đứng giữa lằn ranh sinh tử. Mình đã học được cách yêu thương cuộc đời, yêu thương mọi người nhiều hơn. Biết cách tích lũy, không tiêu xài hoang phí. Đặc biệt, càng phải biết yêu thương bản thân, chăm chỉ tập thể dục, sống khoa học hơn để nâng cao sức khỏe”.

Còn với chị Nguyễn Thị Phước An, cán bộ Mặt trận Tổ quốc quận 8 (TP. Hồ Chí Minh) thì, đợt dịch bùng phát diễn ra, ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Với chị, công việc quá tải, đối mặt nhiều nguy cơ lây nhiễm, thậm chí từng bị cách ly, nhiều lần tưởng đã gục vì mệt mỏi, nhưng chị vẫn giữ vững tinh thần, cùng với các cán bộ Mặt trận khác của quận, các tình nguyện viên… có mặt mọi lúc mọi nơi để trợ giúp người dân khó khăn. 

Chia sẻ về suy nghĩ trong những ngày xông pha hoạt động trong bão dịch, chị An cho biết: “Do chứng kiến nhiều mảnh đời khốn khó trong tình hình dịch như vậy, đặc biệt là với các gia đình có người mất do Covid-19, mình xót xa lắm. Mình muốn góp sức cùng xã hội phần nào sẻ chia, bù đắp những mất mát đó… Ai cũng muốn an toàn, vậy thì ai sẽ ở tuyến đầu? ".

Phước An (người mặc áo hoa đỏ) trong một buổi thăm, tặng quà Tiếp sức đến trường cho các em có cha, mẹ mất do Covid-19
Phước An (người mặc áo hoa đỏ) trong một buổi thăm, tặng quà Tiếp sức đến trường cho các em có cha, mẹ mất do Covid-19

Câu hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn chợt tiếp tục vang lên trong đầu chúng tôi: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai...Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình…”. Quả thực tuy không phải ai cũng có đủ sức khỏe, mối quan hệ, điều kiện để làm những việc thiện nguyện, nhưng trong một khía cạnh nào đó, Covid-19 đã khiến nhiều người trẻ phải suy nghĩ, phải đổi thay, biết sống yêu thương, biết sống sẻ chia hơn trước.

Bạn Nguyễn Trọng Hiếu sống tại huyện Củ Chi, tâm sự: "4 tháng giãn cách vì dịch phải ở nhà, mỗi ngày nghe những thông tin về sự mất mát, em chợt nhận ra mình được sống với gia đình, trong tình yêu thương của cha mẹ, anh chị em là một điều vô cùng hạnh phúc. Vậy mà từ bấy lâu nay em đã quá thờ ơ, không trân trọng. Bây giờ làm gì làm, em đều sẽ tranh thủ thời gian dành cho gia đình và người thân".

Còn với bạn Phương Hà sống tại quận 10, thì đại dịch vừa qua đã giúp bạn thêm hiểu và trân quý tình làng, nghĩa xóm của người Việt. Hà cho biết: Trước đây cứ đi làm rồi về nhà, em ít có giao du hay quen biết ai trong xóm. Nhưng đợt dịch vừa rồi, chứng kiến cảnh mọi người hỏi thăm, động viên nhau, chia sẻ cho nhau từng bó rau, củ khoai, gói mì, từng viên thuốc… em rất xúc động…

Thế mới thấy, tuy có đau thương, mất mát nhưng bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng đã bộc lộ nét đẹp của sức sống Việt, tâm hồn Việt, trong mọi gian khó vẫn luôn hướng về những giá trị nhân văn.

Tin cùng chuyên mục