Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Tình người nơi rẻo cao

PV - 15:54, 03/09/2021

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Phù Yên (Sơn La) trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh, Công an huyện Phù Yên đã băng rừng, vượt núi đến từng hộ dân trên địa bàn vùng cao để hỗ trợ, cung cấp các loại nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con.

Lực lượng Công an Sơn La vận chuyển lương thực, thực phẩm cho bà con nhân dân trên địa bàn huyện Phù Yên.
Lực lượng Công an Sơn La vận chuyển lương thực, thực phẩm cho bà con nhân dân trên địa bàn huyện Phù Yên.

Những chuyến hàng mà những “người chiến sỹ áo xanh” mang tới không chỉ đơn thuần là lương thực, thực phẩm mà ở đó còn là tinh thần “đồng sức, đồng lòng” cùng nhau chiến thắng đại dịch.

Từ trên đỉnh núi…

Bản Núi Hồng, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên nằm cách trung tâm huyện khoảng hơn 7km nhưng quãng đường mà chúng tôi đi cũng mất nhiều giờ đồng hồ leo dốc. Đây là bản người Mông duy nhất của xã Huy Thượng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, vất vả. Thấu hiểu sự khó khăn đó, Công an Phù Yên không quản ngại đường xa để đến từng nhà để cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho những ngày mà địa bàn toàn huyện đang giãn cách xã hội.

Nhận được gói hàng cứu trợ từ tay lực lượng Công an huyện Phù Yên, anh Thào A Pao trú tại bản Núi Hồng xúc động: “Mấy ngày trước con ốm cũng được cán bộ mua thuốc hộ, 3 ngày một lần lại được cán bộ mang cái ăn đến tận nhà. Vui lắm!”.

Hay đó còn là niềm vui của chị Mùa Thị Mỷ, chị chia sẻ: “Từ khi thực hiện giãn cách xã hội, đã 10 ngày nay gia đình tôi không thể xuống xã để mua nhu yếu phẩm và đồ dùng sinh hoạt. Được Công an mang đồ tiếp tế đến tận nhà như thế này chúng tôi rất cảm ơn và cuộc sống cũng yên tâm hơn trong đợt dịch này”.

Trao đổi với chúng tôi khi đang làm nhiệm vụ, Thiếu tá Dương Thế Mạnh, Trưởng Công an xã Huy Thượng, huyện Phù Yên cho biết, thời gian qua anh cùng CBCS đã bỏ qua công việc cá nhân, tạm xa gia đình để túc trực cùng với Quân đội, Y tế và lực lượng chức năng ở địa phương có mặt nhanh chóng tại các khu vực, địa điểm chốt trực.

Bản Núi Hồng bà con đều là người dân tộc Mông, việc tiếp cận với thông tin còn chưa kịp thời, do vậy để đảm bảo an toàn cũng như để bà con nắm được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, Thiếu tá Dương Thế Mạnh cùng đồng đội thường xuyên tuyên truyền tới bà con nhân dân. Công an xã Huy Thượng đã thường xuyên xuống địa bàn, gõ từng nhà, rà từng người nhắc nhở người dân tuân thủ giãn cách xã hội, bảo vệ “vùng xanh”, khoanh chặt “vùng đỏ”.

Ngoài ra, lực lượng Công an xã Huy Thượng còn tổ chức tốt công tác nắm tình hình địa bàn, luôn quán triệt tư tưởng, quan tâm đến tình hình sức khỏe, động viên tinh thần CBCS nâng cao tinh thần chiến đấu, luôn đảm bảo thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế, không quản ngại khó khăn, gian khổ hay lùi bước trước những nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm.

Chia sẻ với nhóm PV, lãnh đạo Công an huyện Phù Yên cho biết, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên địa bàn huyện Phù Yên đến nay, các CBCS đều trực chiến 100% làm nhiệm vụ, gác lại nỗi nhớ gia đình để dồn mọi tâm sức cho trận tuyến này. Những ngày này, một số ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng, các CBCS luôn phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao. Nhưng mỗi CBCS đều ý thức được rằng “Công an từ dân mà ra” do vậy, dù có hy sinh, có vất vả đến mấy cũng cần cống hiến, khi Đảng, Tổ quốc và nhân dân cần đến.

Gắn bó bản làng

Cùng với chiến dịch hỗ trợ bà con trong cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu, Công an huyện Phù Yên đã tổ chức phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn trong việc huy động, ủng hộ bà con tại các bản vùng cao.

Bản Núi Hồng với 88 hộ dân cư, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống rải rác tại các triền núi, sống cách xa nhau, do vậy lực lượng Công an rất vất vả trong việc di chuyển tới nhà dân. Những ngày mưa, đường lầy, khó đi, các anh phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới có thể tới nơi. Mặc dù đường xa, gập ghềnh nhưng những người chiến sỹ ấy chưa một lần nản chí mà luôn tự động viên nhau biến khó khăn hóa thành động lực.

Theo dõi bước chân của những “chiến sỹ áo xanh”, chị Giàng Thị Hoa, trú tại bản Núi Hồng chia sẻ: “Các anh Công an đến từng nhà hỏi han sức khỏe, hỏi cần gì trong những ngày tới để các anh mang đến, mới thấy thương các anh biết bao”.

Vượt đường xa nhiều giờ đồng hồ, cảm kích trước cảnh Trung úy Nguyễn Văn Sơn, Công an xã Huy Thượng cùng các đồng đội của mình ướt đẫm mồ hồi, từ sáng đến giữa trưa miệt mài làm nhiệm vụ, ông Giàng A Chia rưng rưng: "Thấy các anh Công an vất vả nhiều quá. Gần gũi, thân thương và giúp đỡ mọi việc của bà con".

Giơ đôi bàn tay đen sạm đón nhận gói hàng, bà Thào Thị Dia bày tỏ: "Nhà bà bao năm nay khó khăn, chỉ dám ăn cơm với muối, được các anh Công an hỗ trợ tận nơi thế này tôi xúc động lắm. Dịch bệnh mai này sẽ qua đi, nhưng cái tình cảm của anh Công an hôm nay bà chẳng thể quên được".

Trước tình cảm của người dân, Trung sỹ Lò Văn Phong, chiến sỹ Phòng Cảnh sát cơ động chia sẻ: “Được trực tiếp giúp đỡ bà con như thế này, anh em chúng tôi tuy có vất vả thêm một chút nhưng đây là tình cảm, là tấm lòng của người chiến sỹ Công an vì nhân dân phục vụ, được bà con động viên thì chúng tôi cũng cảm thấy rất vui và sẽ cố gắng hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi thực hiện nhiệm vụ đối với người dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ chúng tôi đều chung một ý nghĩ, coi người dân là ruột thịt của mình bởi “Công an từ dân mà ra”".

Khi chứng kiến và trải nghiệm cùng CBCS Công an Phù Yên trong những ngày “nóng” về dịch bệnh, mới thấu hiểu được sự vất vả của tập thể CBCS cùng các lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch và biết rằng họ đã cố gắng, nỗ lực đến nhường nào; khi dân ngủ họ vẫn thức, vẫn phải căng mình chống dịch. Giữa trưa nóng bức hay trong đêm khuya bóng dáng của những người chiến sỹ mang những suất quà cho người dân hay các lực lượng chức năng tại các chốt vẫn thầm lặng trong trận chiến với “giặc COVID”. Dù dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp và hậu quả mà nó mang lại là không hề nhỏ, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của CBCS Công an cùng với mong muốn một ngày không xa đại dịch được đẩy lùi.

Tin cùng chuyên mục
Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Lạm thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh; khâu tổ chức phân luồng kém dẫn đến tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, tắc nghẽn trên đường lên tham quan di tích; cáp treo quá tải nhưng nhà ga vẫn tiếp tục bán vé để mặc du khách xếp hàng đợi cả vài tiếng đồng hồ… Đây là thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm nay tại không ít điểm tham quan di tích, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam khiến du khách không khỏi bức xúc, thất vọng.