Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Con đường hồi sinh nghề lụa truyền thống Thái Lan

Duy Ly (biên dịch theo Thaipbsworld) - 10:46, 27/05/2021

Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ khi hàng dệt may Thái Lan được phục hưng trở lại, người dân xứ sở chùa Vàng, đặc biệt những người ở vùng nông thôn, ai nấy đều biết ơn Hoàng hậu Sirikit cùng công lao của bà trong quá trình khôi phục lại nghề lụa truyền thống.


Triển lãm lụa Thái nhân dịp sinh nhật lần thứ 86 của Hoàng Hậu Thái Lan Sirikit tại Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam năm 2018
Triển lãm lụa Thái nhân dịp sinh nhật lần thứ 86 của Hoàng Hậu Thái Lan Sirikit tại Đại sứ quán Thái Lan ở Việt Nam năm 2018

Phát hiện tiềm năng nghề lụa truyền thống

Việc buôn bán lụa và các sản phẩm thủ công của Thái Lan, được hỗ trợ bởi Quỹ “Xúc tiến ngành nghề bổ trợ và phát triển kĩ năng ngành nghề”, viết tắt là “Support” (Quỹ hỗ trợ). Quỹ này được khởi xướng vào năm 1976 và được bảo trợ bởi Nữ hoàng. Ngày nay, lụa và các sản phẩm thủ công tiếp tục tạo ra được nhiều sự yêu thích, đồng thời khuyến khích những người thợ dệt và thợ thủ công mới thể hiện tài năng của họ, mang về hàng tỷ baht (đơn vị tiền tệ của Thái Lan) cho đất nước thông qua xuất khẩu.

Trong suốt những năm 1970, Hoàng hậu Sirikit đã đồng hành cùng với cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej Đại đế, trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Thái Lan. Bà đã tháp tùng Quốc vương đến thăm các vùng nông thôn trên cả nước, xây dựng các dự án tạo ra thu nhập bền vững và hỗ trợ phát triển nghề nghiệp, từ đó giúp cải thiện điều kiện sống của người dân.

Trong những chuyến đi này, Hoàng Hậu Sirikit đã thấy được thành quả lao động của người dân địa phương, đặc biệt là nghề dệt lụa. Nhìn nhận ngành dệt lụa là di sản quốc gia, Hoàng Hậu khuyến khích người dân phát triển kỹ năng, và giúp họ tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm lụa. Đồng thời, đưa ra những ý tưởng mới về màu sắc cũng như cách thiết kế để đáp ứng thị hiếu trong xu hướng thời trang hiện đại.

Hoàng hậu Sirikit qua các thời kỳ
Chân dung Hoàng hậu Sirikit qua các thời kỳ

Con đường bảo tồn nét đẹp truyền thống

Hoàng hậu thúc đẩy hoạt động của Quỹ hỗ trợ bằng cách, thiết kế lại “tủ quần áo” của mình, trong đó đưa vào nhiều hơn các bộ trang phục sử dụng các loại vải truyền thống Thái Lan, mặc trên người trang phục đặc biệt này, trong những chuyến công du nước ngoài nhằm quảng bá hình ảnh dân tộc đến với thế giới. 

Không lâu sau đó, loại vải lụa đặc biệt này đã trở thành quốc phục của Thái Lan và được các nhà thiết kế nổi tiếng thế giới, như Pierre Balmain và Francois Lesage ứng dụng vào trang phục thời trang của phương Tây. Những nỗ lực của bà đã giúp các nghệ nhân dệt của Thái Lan có được mức sống tốt hơn trong khi vẫn giữ được nghề dệt may truyền thống của mình.

Để bảo tồn và phát triển những sản phẩm dệt may cho thế hệ sau, “Bảo tàng Dệt may Hoàng hậu Sirikit” đã tổ chức trưng bày các loại vải dệt tay truyền thống, trong số đó có thể kể đến: Vải quấn lụa ikat (Matmii) truyền thống của vùng Đông Bắc, áo khoác vai gấm lụa Phrae Waa đầy mê hoặc, Chok - một loại gấm hoặc lụa có hoa văn dày đặc thường được sử dụng làm viền váy, giống như gấm vàng hoặc Pha Yok của miền Nam Thái Lan. Một số thợ dệt tự trồng dâu để nuôi tằm, lấy kén, kéo sợi, tẩy và nhuộm chỉ, dệt vải.

Nadhawan Tanyongmas, Phó Giám đốc Bảo tàng cho biết: Bảo tàng được coi là một phần của Quỹ hỗ trợ. Mục tiêu của nó là nâng cao nhận thức, bảo tồn và trở thành một trung tâm học tập chuyên biệt, nghiên cứu về những cống hiến của Hoàng hậu Sirikit, về lịch sử dệt may Thái Lan và các giá trị của nghề dệt truyền thống.

“Chúng tôi áp dụng công nghệ tiên tiến đạt tiêu chuẩn quốc tế trong phòng thí nghiệm bảo tồn để phục hồi và bảo quản tất cả các loại vải, không chỉ lụa Thái Lan, mà còn cả vải bông và vải dệt kim tuyến. Thách thức chính của chúng tôi là thu hút công chúng đến thăm bảo tàng vì văn hóa của chúng tôi không giống như ở các nước phương Tây. Các cuộc triển lãm của chúng tôi vẫn đúng với truyền thống nhưng áp dụng cách tiếp cận quốc tế sao cho dễ hiểu. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tạo ra một bảo tàng trực quan trên nền tảng Văn hóa và Nghệ thuật của Google (Bảo tàng được xây dựng theo hình thức trực tuyến) để có thể tiếp cận người xem thuộc một cách dễ dàng hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ”, bà giải thích thêm.

Trang phục truyền thống của người Thái
Trang phục truyền thống của người Thái

Cách tân trang phục truyền thống

Hoàng hậu Sirikit, cho dù sống một cuộc sống đặc quyền của hoàng gia, không bao giờ quên những người phụ nữ của đất nước mình. Đặc biệt là người phụ nữ nông thôn. Họ là những người không có điều kiện kinh tế dư dả. Bà muốn mỗi người phụ nữ trong nước của bà đều phải sở hữu phong cách ăn mặc tề chỉnh. Để được như vậy, bà Sirikit đã sử dụng sức mạnh của những bộ quốc phục truyền thống.

Nữ hoàng Sirikit, cùng với đội ngũ các nhà sử học, nhà thiết kế thời trang Thái Lab và Pierre Balmain đã thiết kế một loạt các trang phục truyền thống cho phụ nữ Thái Lan. Tổng cộng 8 bộ quốc phục mới dành cho phụ nữ được ra đời. Tên gọi các bộ quốc phục là: Thai Dusit, Chakri, Ruean Ton, Chit Lada, Amarin, Borom Phiman, Chakkraphat và Thai Siwalai.

Ngày nay, những trang phục truyền thống được cách tân này vẫn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong nền văn hoá của người Thái. Rõ rệt nhất chính là trang phục của các tiếp viên Thai Airways. Bên cạnh đó, các bộ cánh được phụ nữ Thái Lan sử dụng trong các dịp quan trọng cũng mang ảnh hưởng không ít từ những trang phục được lấy cảm hứng từ các thiết kế của bà.

Trào lưu ưa chuộng lụa Thái đã được hồi sinh. Chính nhờ quyết tâm bảo tồn nghề truyền thống và mong muốn đưa lụa truyền thống phủ sóng khắp cả nước và trên toàn thế giới, Hoàng hậu Sirikit đã giúp cho người dân vùng sâu, vùng xa, những làng quê hẻo lánh của Thái Lan thoát khỏi đói nghèo. Ngày nay, lụa Thái được coi là chất liệu quốc dân, được người dân cả nước công nhận và sử dụng hàng ngày.