Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Công an Quảng Nam: Trên tuyến đầu chống dịch

Tấn Sỹ - Thanh Huyền - 09:45, 21/08/2020

Hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngăn chặn không để dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng, đấu tranh triệt phá các loại tội phạm lợi dụng dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con DTTS về phòng, chống dịch… là món quà mà các chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Nam dành cho nhau trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống lực lượng Công an Nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2020).

Công an huyện Nam Giang tặng khẩu trang, nước sát khuẩn và hướng dẫn người dân cách phòng dịch.
Công an huyện Nam Giang tặng khẩu trang, nước sát khuẩn và hướng dẫn người dân cách phòng dịch.

“Vượt nắng, thắng mưa”

Gần 3 tuần trực tại xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức (Quảng Nam), Đại úy Đỗ Ngọc Sơn, Đội phó Đội Điều tra tổng hợp, Công an huyện Hiệp Đức đã cùng đồng đội bám chốt 24/24h. Có những hôm, ban ngày thì nắng nóng bụi đường, do chốt trực đóng chân trên Quốc lộ 14E đang thi công, đêm thì mưa như trút nước. Song, các anh động viên nhau kiểm soát chặt địa bàn. Bởi bao quanh xã Bình Lâm và huyện Hiệp Đức có 3 huyện là Thăng Bình, Quế Sơn và Tiên Phước đã có ca dương tính với Covid-19, nếu không ngăn chặn thì dịch rất dễ bùng phát rộng.

“Với trách nhiệm của người chiến sĩ Công an Nhân dân (CAND), chúng tôi luôn động viên nhau “vượt nắng, thắng mưa”, quyết không để tình hình dịch bệnh mất kiểm soát trên địa bàn huyện. Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao tại điểm chốt chặn này là món quà mà chúng tôi dành cho nhau trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND năm nay”, Đại úy Đỗ Ngọc Sơn tâm sự.

Theo Thượng tá Bùi Hồng Tình, Trưởng Công an huyện Hiệp Đức, từ ngày 29/7, 38 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện đã được điều động tham gia 7 điểm chốt chặn và 2 khu cách ly tập trung của huyện. Qua 20 ngày trực, lực lượng Công an đã kiểm soát 6.730 phương tiện ô tô và xe máy; phối hợp với các ngành chức năng tiến hành khai báo y tế cho 5.860 trường hợp về từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Tam Kỳ (Quảng Nam) và một số địa phương khác trong tỉnh.

Dùng nhiều thứ tiếng để tuyên truyền chống dịch

Những ngày này, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Nam Giang mang theo loa đi đến từng thôn để tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 đã trở nên quá quen thuộc với người dân. Điều khá đặc biệt hơn, từ một nội dung tuyên truyền về các triệu chứng của Covid-19, đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay sát khuẩn… được phát bằng 4 thứ tiếng là: Kinh; Cơ Tu; Ve và Tà Riềng (hai nhóm địa phương, thuộc dân tộc Gié Triêng).

Trung úy Arất Pêlê, Đội Tổng hợp Công an huyện Nam Giang cho biết: Để mọi người cùng hiểu hết nội dung phòng, chống dịch, chúng tôi huy động cán bộ, chiến sĩ của từng dân tộc, đọc nội dung tuyên truyền bằng tiếng mẹ đẻ của mình, sao cho gần gũi, sát thực với cuộc sống đồng bào.

Ngoài ra, đoàn viên, thanh niên Công an huyện còn thay phiên nhau đến từng nhà, gặp từng người dân để hướng dẫn; qua gần 3 tuần ra quân, đã cấp hơn 500 khẩu trang, bình nước sát khuẩn, giúp người dân có điện thoại thông minh cài đặt phần mềm Bluezone… Giờ đây, đồng bào đã có ý thức hơn trong phòng, chống dịch Covid-19.

Bà ALăng Tên, thôn Bến Giằng, xã Cà Dy (huyện Nam Giang) chia sẻ: “Cán bộ Công an đến tuyên truyền, rồi cho khẩu trang, chúng tôi ai cũng vui. Trước kia nghe đài nói về dịch, cũng lo lắng. Nhưng giờ, được cán bộ Công an dùng tiếng địa phương để tuyên truyền, chúng tôi nghe và hiểu nhanh hơn”.

Thượng tá Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Công an huyện Nam Giang cho biết: Bằng nhiều giải pháp khác nhau, đến thời điểm hiện nay, lực lượng Công an đã góp phần cùng ngành chức năng huyện Nam Giang kiểm soát tốt tình hình, chưa để xảy ra trường hợp dương tính với Covid-19 trên địa bàn. “Sự cố gắng của chúng tôi đã được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và Nhân dân ghi nhận, tin yêu. Đó chính là động lực để chúng tôi tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ CAND trong tình hình mới’, Thượng tá Nguyễn Tiến Đạt cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La, Điện Biên tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Sơn La, Điện Biên tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, những ngày qua, tại hai tỉnh Sơn La và Điện Biên đã có mưa to đến rất to, gây lũ quét, lũ ống, làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Hiện hai địa phương đang tập trung triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.