Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận các Bảo vật quốc gia dịp Lễ hội Katê

Nguyệt Anh - 17:16, 24/09/2024

Dịp Lễ hội Katê năm nay, 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận sẽ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023), trong đó, tỉnh Ninh Thuận có 2 hiện vật và tỉnh Bình Thuận có 1 bảo vật liên quan đến di sản văn hóa Chăm.

Bia Phước Thiện, niên đại cuối thế kỉ thứ VIII, đầu thế kỉ thứ IX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận.
Bia Phước Thiện, niên đại cuối thế kỷ thứ VIII, đầu thế kỷ thứ IX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận

Trong số 29 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg, ngày 8/1 (đợt 12, năm 2023), tỉnh Ninh Thuận có 2 hiện vật gồm: Bia Phước Thiện, niên đại cuối thế kỷ thứ VIII, đầu thế kỷ thứ IX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận; Tượng thờ Vua Pô Klong Garai, niện đại thế kỷ thứ XVI-XVII, hiện thờ tại Tháp Po Klong Garai, TP Phan Rang- Tháp Chàm.

Tượng thờ Vua Pô Klong Garai, niện đại thế kỉ thứ XVI-XVII, hiện thờ tại Tháp Po Klong Garai, TP Phan Rang- Tháp Chàm.
Tượng thờ Vua Pô Klong Garai, niện đại thế kỷ thứ XVI-XVII, hiện thờ tại Tháp Po Klong Garai, TP Phan Rang- Tháp Chàm

Tỉnh Bình Thuận có hiện vật Linga vàng được phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ tại tháp Pô Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong) vào năm 2013. Thông qua việc giám định, các nhà khoa học khẳng định đây là chiếc Linga bằng vàng ròng có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ VIII – cùng niên đại xây dựng nhóm tháp Pô Dam. So với những Linga bằng vàng phát hiện trong di tích Chămpa hay văn hóa Óc Eo thì Linga bằng vàng ở Pô Dam có kích thước, khối lượng và hàm lượng vàng lớn hơn nhiều lần. Tuy nhiên, giá trị chính của Linga ở Pô Dam không nằm ở chỗ 78,3630g vàng ròng mà nằm ở cấu trúc chiếc Linga, xuất xứ, niên đại, tính hiếm và nghệ thuật chế tác thủ công.

Bảo vật Linga bằng vàng ở tháp Pô Dam (Bình Thuận)
Bảo vật Linga bằng vàng ở tháp Pô Dam (Bình Thuận)

Liên quan đến các hiện vật Chăm được công nhận đợt này, ngoài 2 hiện vật thuộc tỉnh Ninh Thuận, còn có Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1, niên đại thế kỷ thứ VII-VIII và Tượng Shiva Mỹ Sơn C1, niên đại thế kỷ thứ VIII, cùng được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng; Phù điêu Nữ thần Uma, niên đại thế kỷ thứ IX-X, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu; Phù điêu Apsara Trà Kiệu, niên đại thế kỷ thứ X, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng; hai Tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, niên đại cuối thế kỷ thứ XI, đầu thế kỷ thứ XII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.

Thông qua Lễ công bố các hiện vật Chăm tại Lễ hội Katê năm 2024, các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận mong muốn tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến với Nhân dân, du khách trong nước và quốc tế về giá trị di sản văn hóa Chăm; nâng cao nhận thức và hành động của Nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa nói chung, bảo vật quốc gia nói riêng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, phục vụ du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Đọc nhiều