Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Công nghệ 4.0 trong điều tra thực trạng KT - XH của 53 DTTS

Hải Tâm - 09:37, 23/10/2019

Nếu như cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội (KT-XH) của 53 DTTS lần đầu tiên được tổ chức năm 2015 hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, thì cuộc điều tra lần này (từ 1/10 - 31/10/2019), cán bộ điều tra sẽ áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong tất cả các giai đoạn.

Ứng dụng CNTT giúp cho cuộc điều tra được thuận tiện hơn.
Ứng dụng CNTT giúp cho cuộc điều tra được thuận tiện hơn.

Hiện nay, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Tổng cục Thống kê (TCTK) đang tổ chức cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS. Mục đích của điều tra nhằm cung cấp dữ liệu để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu về công tác dân tộc, phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển KT-XH cho các vùng DTTS giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về DTTS tại Việt Nam.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo, điểm khác biệt lớn nhất của cuộc điều tra lần này là chủ yếu sử dụng hình thức thu thập thông tin với sự trợ giúp của thiết bị điện tử di động, gọi tắt là CAPI. Việc áp dụng hình thức thu thập thông tin bằng CAPI thông qua sử dụng thiết bị điện tử di động như máy tính bảng, điện thoại thông minh để thu thập thông tin sẽ làm tăng chất lượng dữ liệu do kiểm soát được các lỗi lô-gic trong quá trình thu thập thông tin, giám sát được việc điều tra viên thống kê đến hộ phỏng vấn, bên cạnh đó tiết kiệm được thời gian hoàn thành phiếu điều tra, rút ngắn thời gian xử lý và công bố dữ liệu (do không phải làm sạch phiếu và nhập tin). Phương pháp này sẽ tiết kiệm một khoản kinh phí lớn để in phiếu giấy, thuê người nhập tin và các chi phí liên quan khác.

Song song với hình thức thu thập thông tin bằng CAPI, cuộc điều tra cũng sẽ áp dụng hình thức điều tra qua internet (gọi tắt là Webform). Đại diện UBND xã/phường sẽ được cung cấp tài khoản và mật khẩu để vào trang web điều tra và chủ động được thời gian để trả lời thông tin trên phiếu hỏi. Hình thức thu thập thông tin bằng Webform sẽ không phải in phiếu giấy, không cần sử dụng điều tra viên đến gặp đại diện UBND xã/phường để thu thập thông tin, giúp tiết kiệm kinh phí. 

Cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS là cuộc điều tra mẫu, trong đó, việc cải tiến thiết kế mẫu điều tra rất được chú trọng, bảo đảm tính đại diện của các DTTS đến cấp tỉnh. Quy mô cuộc điều tra được thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tại 440 huyện và tại 5.464 xã. Tổng số địa bàn điều tra được chọn là 14.659 địa bàn. Tổng số hộ được chọn điều tra là 540.740 hộ (trong đó 123.060 hộ thuộc địa bàn điều tra toàn bộ; 298.680/1.002.902 hộ thuộc địa bàn điều tra 30 hộ mẫu và 119.060/226.264 hộ thuộc địa bàn điều tra toàn bộ).

Đáng lưu ý, cuộc điều tra DTTS 2019 được kết nối các thông tin sẵn có của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng số liệu và giảm bớt thời gian để thu thập các thông tin sẵn có. Đây cũng là lần đầu tiên ngành Thống kê thực hiện kết nối chuỗi dữ liệu mảng (panel data) ngay trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn giúp thuận tiện cho quá trình điều tra, nâng cao chất lượng thông tin.

Hy vọng, các phương pháp tiên tiến hiện đại này sẽ giúp cho cuộc điều tra diễn ra thuận lợi. Qua đó, cuộc điều tra sẽ đạt được các kết quả tốt nhất, làm tiền đề để các nhà hoạch định chính sách có được dữ liệu chính xác trong quá trình xây dựng chính sách.