Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là vấn đề quan trọng, cần quan tâm và ưu tiên

Hoàng Quý - 17:15, 28/11/2023

Chiều 28/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

(TIN QH) Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là vấn đề quan trọng, cần quan tâm đặc thù và ưu tiên

Tại phiên thảo luận, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thống nhất với sự cần thiết ban hành luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng nhu cầu thực tiễn của nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; chủ động tự lực, tự cường củng cố, xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội, Công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đồng thời góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các ĐBQH đã làm rõ thêm một số vấn đề về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; những cơ chế chính sách đột phá thật sự đặc thù để tập trung nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp; về giải thích từ ngữ; về mối quan hệ giữa công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; về hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng an ninh; về chế độ chính sách trong công nghiệp quốc phòng an ninh…

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội)
Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội)

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội): Cần chú trọng bảo đảm quốc phòng an ninh trên biển

Theo đại biểu, Việt Nam phải là quốc gia mạnh về biển nên cần chú trọng bảo đảm quốc phòng an ninh trên biển. Biển đảo là môi trường sinh tồn, phát triển của nước ta. Chúng ta phải ưu tiên nhiệm vụ bảo vệ biển đảo gắn với bảo vệ môi trường. Bổ sung thêm chính sách bảo vệ quốc phòng an ninh gắn với phát triển kinh tế...

Đại biểu cho rằng, dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa các quan điểm, chủ trương lớn và các giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, đại biểu nhấn mạnh các nội dung sau:

Về quan điểm Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn, phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.

Về chủ trương lớn là xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ theo hướng hiện đại. Ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Không ngừng củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biển, bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển; giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển.

Về nhóm giải pháp, hoàn thiện tổ chức các lực lượng bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển. Đầu tư trang thiết bị hiện đại, chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tăng cường khả năng hiệp đồng tác chiến của các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng, hợp pháp của đất nước. Xây dựng lực lượng Công an khu vực ven biển đảo, các khu đô thị, kinh tế, khu công nghiệp ven biển vững mạnh, làm nòng cốt, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các vùng biển đảo.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên)
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên)

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên): Để xây dựng nền quốc phòng, an ninh vững mạnh, cơ sở pháp luật phải rõ ràng, khoa học

Đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã có sự chuẩn bị kỹ càng, đại biểu cho rằng, để xây dựng một nền quốc phòng, an ninh vững mạnh, hiện đại, thì cơ sở pháp luật phải rõ ràng, khoa học.

Về cách tiếp cận trong xử lý một số vấn đề kỹ thuật trong dự thảo luật, cụ thể, về mối quan hệ giữa công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh, đại biểu cho biết, khoản 6 Điều 4 có quy định tránh đầu tư trùng lặp những gì mà công nghiệp quốc phòng làm được, thì công nghiệp an ninh không đầu tư. Đại biểu cho rằng nguyên tắc này đúng về chủ trương, nhưng khó thực hiện trên thực tế, bởi liên quan đến việc xác định nhiệm vụ cụ thể trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, quy định về vị trí, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, động viên công nghiệp mới chỉ quy định chung, chưa chỉ rõ phạm vi. Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần tách khái niệm công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh để quy định ở hai khoản thay vì quy định chung trong một khoản.

Đồng thời, đại biểu cho rằng cần có một Điều quy định giao Chính phủ ban hành nhóm danh mục chủ yếu về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, ban hành danh mục hoạt động, quy trình lập kế hoạch thẩm định.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần có sự phân loại tương đối giữa các hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh quan trọng, mang tính chủ đạo với hoạt động công nghiệp mang tính thông thường, lưỡng dụng, gắn với phát triển kinh tế xã hội.