Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Công tác dân tộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Những kết quả nổi bật từ thực hiện Quyết tâm thư Đại hội DTTS lần thứ III

Duy Chí - 21:28, 01/10/2024

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động và Quyết tâm thư tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ III năm 2019, đến nay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã không còn xã, thôn (ấp) có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; 47/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100%; 6/8 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là những thành tích nổi bật sẽ được báo cáo tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ IV năm 2024, dự kiến diễn ra vào 3/10/2024.

Ông Đỗ Đình Quốc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tặng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu các DTTS thành phố Vũng Tàu, lần thứ IV, năm 2024
Ông Đỗ Đình Quốc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tặng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu các DTTS thành phố Vũng Tàu, lần thứ IV, năm 2024 . Ảnh Cẩm Nhung

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 38 DTTS sinh sống, với 33.856 nhân khẩu (chiếm gần 3% dân số toàn tỉnh). Trong đó, đông nhất là người Hoa, tiếp đến là dân tộc Cho Ro. Chia sẻ về những kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình hành động và Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ III (2019 - 2024), ông Đỗ Đình Quốc - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho hay: Trong giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh đã bố trí 815.026,7 triệu đồng để thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư phát triển hạ tầng vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Theo đó, nổi bật trong nhiều kết quả đạt được là  việc đầu tư hỗ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đang góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào DTTS trên địa bàn. Riêng đối với lĩnh vực này, thời gian qua tỉnh đã bố trí 558 triệu đồng để hỗ trợ các lễ hội truyền thống, tết cổ truyền của các dân tộc như Sen Dolta, Chôl Chnăm Thmây, Tết Ka tê, Lễ cúng Nhang Rừng...; hỗ trợ sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS được 58 bài dân ca, có ký âm và đặt lời Việt.

Cồng Chiêng là nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Châu Ro ( Thị xã Phú Mỹ, Bà Rìa - Vũng Tàu ) được đồng bào gìn giữ và phát huy trong các hoạt động văn hóa, sự kiện của địa phương
Cồng Chiêng là nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Chơ Ro (thị xã Phú Mỹ, Bà Rìa - Vũng Tàu ) được đồng bào gìn giữ và phát huy trong các hoạt động văn hóa, sự kiện của địa phương

Tỉnh cũng đã tổ chức phục dựng lễ hội trong sinh hoạt cộng đồng người Chơ ro, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lễ hội dân gian - Lễ hội Ôp Yangva, mang đậm bản sắc dân tộc Chơ ro cho du khách thập phương; tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy các điệu múa, bài hát dân ca cho con em đồng bào dân tộc Chơ ro trên địa bàn tỉnh với 133 lượt người. Trong 2 năm 2023 - 2024, tỉnh đã tổ chức được 4 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy các điệu múa, bài hát dân ca cho con em đồng bào dân tộc Chơ ro trên địa bàn tỉnh với 213 lượt người tham gia.

Bên cạnh đó, ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch còn phát động phong trào “Rèn luyện thân thể theo gương Bác hồ vĩ đại” nhằm nâng cao thể lực trong đồng bào DTTS. Hàng năm, tỉnh phát động phong trào Hội thao đồng bào DTTS; đồng thời lựa chọn những vận động viên có thành tích cao tham gia hội thao cấp tỉnh với các môn thể thao dân gian như: Kéo co, chạy cà kheo, đẩy gậy và bắn nỏ để tham gia hội thao các DTTS toàn quốc. 

Nâng cao đời sống vật chất cộng đồng các DTTS

Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất trong đồng bào DTTS và hộ nghèo sinh sống tại địa bàn các xã, thôn ấp đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và Đề án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS, trong những năm qua, UBND tỉnh đã bố trí 17.900 triệu đồng để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho 3.517 hộ đồng bào; đồng thời tổ chức 43 tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho các đối tượng thụ hưởng.

Đối với chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh đã phê duyệt 9 mô hình/dự án liên kết cấp tỉnh, trong đó người DTTS tham gia dự án liên kết được tỉnh phê duyệt là 15 người, với tổng diện tích là 13,9 ha.

Từ năm 2019 - 2024 UBND tỉnh đã bố trí trên 678.7 tỷ đồng, đầu tư 169 công trình giao thông nông thôn; công trình thủy lợi, công trình điện - nước phục vụ sinh hoạt tại các cộng đồng DTTS trong tỉnh. Bố trí 102.6 tỷ đồng để hỗ trợ trực tiếp các nhu cầu cấp thiết cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn như: xây mới và sửa chữa 583 căn nhà cho hộ nghèo là người DTTS, trị giá 29.3 tỷ đồng.

Bà Rìa - Vũng Tàu luôn quan tâm và tạo điều kiện kịp thời cho sin h viên, học sinh DTTS ( ảnh TL)
Bà Rìa - Vũng Tàu luôn quan tâm và tạo điều kiện kịp thời cho sin h viên, học sinh DTTS. (ảnh TL)

Sửa chữa nhà 276 căn nhà xiêu vẹo, dột nát, với số tiền 8,2 tỷ đồng, Xây mới 912 nhà tiêu hợp vệ sinh, số tiền 11,6 tỷ đồng. Hỗ trợ lắp đặt điện sinh hoạt cho 320 hộ, với số tiền là 2,4 tỷ triệu đồng. Hỗ trợ lắp đặt 798 đồng hồ nước cho 798 hộ chưa có nước sạch sử dụng, với số tiền là 7.844 triệu đồng...

Những ngày lễ tết, từ nguồn ngân sách tỉnh, chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà 1,958 lượt hộ nghèo DTTS, với số tiền 2,5 tỷ đồng. Hỗ trợ 1.424 lượt em sinh viên với số tiền 2,1 tỷ đồng; thăm và tặng quà tết cho 461 lượt Người có uy tín với số tiền 972,5 triệu đồng.

Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân tự làm, cộng đồng giúp đỡ” đối với hộ đồng bào thụ hưởng chính sách hỗ trợ trực tiếp để góp phần xây dựng ngôi nhà ở được khang trang, rộng rãi hơn, tỉnh đã bố trí 3,3 tỷ đồng cho 219 hộ vay vốn đối ứng từ ngân hàng chính sách xã hội, cụ thể: Cho 157 hộ đồng bào vay đối vốn đối ứng xây dựng nhà ở, với số tiền trên 3 tỷ đồng và cho 62 hộ vay đối ứng phát triển sản xuất, với số tiền 290 triệu đồng để làm chuồng trại và thức ăn cho con giống được hỗ trợ.

Bên cạnh đó, các hộ còn lại đối ứng bằng nguồn vốn đối ứng của gia đình tự có như tiền mặt và góp vốn bằng công sức lao động, với nguồn vốn trên 9 tỷ đồng để xây nhà và phát triển sản xuất.

Hàng năm, tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động trong đó tập trung thực hiện các chính sách phát triển thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước với mục tiêu nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, trong đó chú trong việc làm cho đối tượng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ, đồng bào DTTS...

Các môn thể thao truyền thống của đồng bào DTTS được bảo tồn và phát huy ( ảnh TL)
Nhiều môn thể thao truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn đang được bảo tồn và phát huy trong đời sống sinh hoạt của đồng bào DTTS

Kết quả thực hiện từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm và 1 ngày hội việc làm với sự tham gia của 836 doanh nghiệp, 14.933 người lao động. Qua đó, sơ tuyển được 7.298 trường hợp, góp phần tạo việc làm tăng thêm cho 36.880 lao động, trong đó nhiều đối tượng lao động là người DTTS.

Bên cạnh đó, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 47/47 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; 35/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 8/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bà Rịa - Vũng Tàu đang phấn đấu đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 6/8 đơn vị cấp huyện (huyện Đất Đỏ, Long Điền, Châu Đức, Xuyên Mộc, thị xã Phú Mỹ, thành phố Bà Rịa) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 75%.

Theo ông Đỗ Đình Quốc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, kết quả này ngoài sự quan tâm, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, thì tỉnh đã chú trọng xây dựng được lực lượng cốt cán Người có uy tín trong đồng bào DTTS để làm cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồng bào. Hiện nay, toàn tỉnh có 46 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, hàng năm được tỉnh quan tâm tổ chức bồi dưỡng kiến thức thông tin kịp thời để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến bà con và kịp thời giúp chuyển tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con đến cơ quan nhà nước để kịp thời tháo gỡ, giải quyết theo quy định.  

Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực là người DTTS. HIện nay, toàn tỉnh hiện có 521 đảng viên là người DTTS. Riêng giai đoạn từ năm 2019 - 2024, đã kết nạp mới được 130 quần chúng là người DTTS. 

Tin cùng chuyên mục
Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Sau 7 tháng thi công, công trình cầu Hà Lẹc ở xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã hoàn thành trên 80% khối lượng công việc. Mục tiêu kết nối giao thông - “mở lối” thoát nghèo cho đồng bào các DTTS vùng biên huyện Lệ Thủy đang dần trở thành hiện thực.