Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Công tác phòng chống thiên tai -Thông tin phải "nhanh hơn thiên tai, bão lũ": Báo chí, truyền thông khẳng định vai trò quan trọng (Bài 1)

Hoàng Thanh- Hiếu Anh (CĐ) - 20:04, 18/06/2021

Tình hình thiên tai ở Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, bất thường, gây tổn thất nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống, sản xuất của Nhân dân. Cùng với điều kiện chia cắt về mặt địa lý, cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, để công tác phòng chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả cao, một trong những giải pháp không thể thiếu, đó là công tác thông tin, tuyên truyền. Thông tin phải đi trước một bước, phải “nhanh hơn thiên tai, bão lũ”. Có như vậy, mới giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản một cách tối đa.

Năm 2020, lần đầu tiên, Tổng Cục PCTT tổ chức cuộc thi dành cho Đội xung kích PCTT cấp xã
Năm 2020, lần đầu tiên, Tổng Cục PCTT tổ chức cuộc thi dành cho Đội xung kích PCTT cấp xã

Đa dạng hóa hình thức truyền thông- Truyền thống kết hợp hiện đại

Thực tế cho thấy, thiên tai là khó tránh khỏi, nhưng phòng, chống để thiên tai không trở thành thảm họa là điều chúng ta có thể làm được. Trong đó truyền thông PCTT cần được xem là một trong những giải pháp, nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần sự quan tâm vào cuộc của các ngành, các cấp và toàn xã hội.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai , Phó ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo) cho biết, trong những năm qua, công tác truyền thông về PCTT đã được triển khai đồng bộ và đạt được những hiệu quả nhất định. Minh chứng rõ nét nhất, là thiệt hại về người và tài sản đã giảm dần qua từng năm, một phần lớn là do nhận thức và hành động PCTT của Nhân dân, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở được nâng lên qua công tác truyền thông về PCTT.

Đặc biệt, hình thức tuyên truyền đã được thực hiện đa dạng, phong phú, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong các tổ chức đảng, đoàn thể, khu dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, trường học... Để tạo lan tỏa ý thức PCTT trong cộng đồng, Tổng cục PCTT đã tổ chức nhiều hình thức truyền thông về PCTTb như: Tổ chức cuộc thi PCTT cho Đội xung kích PCTT cấp xã; thiết lập Facebook; Zalo, soạn lời mới cho các làn điệu dân ca để tuyên truyền PCTT; phát hành tờ rơi, tờ gấp bằng bằng tiếng dân tộc về PCTT; nhắn tin SMS tới 104 triệu thuê bao để cảnh báo thiên tai…

Với loại hình truyền thông PCTT, bằng hình thức soạn lời mới cho các bài hát dân ca, đã tạo được sự gần gũi với đời sống, phù hợp với phong tục, tập quán vùng miền nên người dân rất dễ nhớ, dễ thuộc, từ đó nâng cao ý thức, hiểu biết của người dân, cộng đồng. Các ca khúc lời mới, với những giai điệu tươi vui, ca từ dễ nhớ, những sản phẩm âm nhạc này đã lan tỏa, góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng trong PCTT.

Ngoài ra, Tổng cục PCTT cũng đã tích cực triển khai Đề án 1002 về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Theo đó, trong năm 2020, các cấp ngành đã tổ chức tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai cho 3.097 lượt cán bộ và người dân 3 cấp tỉnh, huyện, xã tại 18 tỉnh, thành phố, trong đó có cả người khuyết tật; tích cực đẩy mạnh việc gắn xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng các mô hình xã điểm tại các vùng miền để nhân rộng trên cả nước.

Một hình thức khác cũng được Tổng cục PCTT chú trọng trong công tác truyền thông là, khai thác tiện ích từ mạng xã hội. Giữa năm 2018, Tổng cục đã đưa vào hoạt động Fanpage “Thông tin phòng, chống thiên tai”, một địa chỉ cập nhật, chia sẻ thông tin về tình hình thiên tai một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất. Các bài viết đăng tải trên Fanpage có tính tương tác rất cao, qua đó, người dân cả nước, đặc biệt là người dân vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai có thể chia sẻ tình hình thực tế tại nơi mình sống ngay tức thì bằng Smartphone, máy tính có kết nối Internet.

Bên cạnh đó, để người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp, kịp thời nắm bắt thông tin về PCTT; các văn bản quy phạm pháp luật..., Tổng cục PCTT đã chủ trì xây dựng nội dung “Bản tin thiên tai”, chạy trên Website của Tổng cục PCTT. Bản tin được xuất bản định kỳ hằng tuần, qua đó cập nhật các hoạt động của lĩnh vực PCTT; thông tin dự tính, dự báo và những kinh nghiệm hay để nâng cao năng lực PCTT. Việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền PCTT, như cách làm của Tổng cục PCTT là mô hình cần nhân rộng để nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng, chính quyền địa phương các cấp.

Phát huy sức mạnh của các cơ quan báo chí, truyền thông

Trong năm 2020, Tổng cục PCTT đã thành lập và duy trì hoạt động Câu lạc bộ “Phóng viên với phòng chống thiên tai”. Năm 2020 có khoảng 100.000 bài báo, trong đó có khoảng 16.000 tin bài được phát sóng trên VTV. Riêng trong đợt mưa lũ từ tháng 9 đến tháng 10, trung bình mỗi ngày có khoảng 407 bài phản ánh về chủ đề này. 

Các nhà báo đã không quản khó khăn, nguy hiểm, đồng hành cùng những người làm công tác PCTT để cung cấp, chia sẻ, phản ánh thông tin kịp thời, chính xác công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nhiều nhà báo với nhiều tác phẩm báo chí đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT trao giải, khen thưởng
Nhiều nhà báo đã có những tác phẩm báo chí xuất sắc về chủ đề thiên tai, được Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT trao giải, khen thưởng

Theo đó, nhiều cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đã đẩy mạnh truyền thông PCTT qua nhiều hình thức như: Xây dựng phim tài liệu, phóng sự và rất nhiều các Clip, bài dân ca, tiểu phẩm, tài liệu hướng dẫn về kỹ năng PCTT. Nội dung tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ phù hợp với đặc thù thiên tai ở các vùng miền.

Trong năm 2020, Ban Chỉ đạo PCTT cũng đã vinh danh và trao Giải báo chí toàn quốc về PCTT lần thứ nhất nhân Kỷ niệm ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ngày ASEAN về quản lý thiên tai (13/10) cho 1 tập thể và 34 tác giả, nhóm tác giả. Ban Tổ chức cũng đã xây dựng và phổ biến 35 phim tài liệu, phóng sự; 11 Clip, 330 sáng tác lời mới cho làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền, 14 Radio tiểu phẩm, 20 tài liệu cùng nhiều tờ rơi hướng dẫn kỹ năng PCTT.

Phóng viên tác nghiệp trên đường đưa tin vùng lũ ở Lai Châu
Phóng viên tác nghiệp trên đường đưa tin vùng lũ ở Lai Châu

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Quang Minh, Vụ trưởng Vụ truyền thông Cộng đồng, Tổng cục PCTT cho biết: Với chức năng cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về PCTT của Tổng cục PCTT, Vụ đã phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, nghiên cứu tuyên truyền nội dung PCTT phù hợp với từng đối tượng khán giả, đặc biệt là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương như đồng bào DTTS, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật…

Theo đó, 3 nội dung trọng tập trung tuyên truyền được chú trọng, gồm: Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả của thiên tai; Tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai; Biểu dương, nhân rộng tập thể, cá nhân tiêu biểu; sáng kiến, mô hình hay, giải pháp hữu ích của địa phương, đơn vị; Đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật về PCTT, biểu hiện chủ quan, thờ ơ, vô cảm đối với công tác PCTT; hành vi tung tin không chính xác, gây tâm lý hoang hoang trong cộng đồng.

Góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng

Những phương pháp truyền thông nói trên, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, bà con đã chủ động che chắn nhà cửa, bảo vệ sản xuất, bảo vệ gia súc vật nuôi trước khi không khí lạnh, rét đậm, rét hại diễn ra. Tại các tỉnh miền Trung, người dân đã chủ động ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, ngập lụt, chằng chống nhà cửa, neo đậu bảo đảm an toàn tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản và sơ tán đến nơi an toàn,… nhờ đó giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã chủ động xây dựng và triển khai các phương án ứng phó với thiên tai, bảo đảm an toàn công trình, tài sản và công tác sản xuất, nhất là tại các khu công nghiệp và các nhà máy nằm ở khu vực ven biển. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã chủ động và sẵn sàng huy động phương tiện, trang thiết bị tham gia công tác ứng phó với thiên tai theo chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Các khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng ven biển đã tích cực triển khai các biện pháp  bảo đảm an toàn cho khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế như đưa thông báo bằng tiếng Anh đến từng du khách, sơ tán du khách tại các khu vực không bảo đảm đến nơi an toàn, ngoài ra còn cung cấp nơi ở tránh trú bão miễn phí cho người dân trong khu vực…