Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

COVID-19 hoành hành 25 tuần, thế giới thụt lùi 25 năm

PV - 14:11, 16/09/2020

Chỉ trong vòng nửa năm, đại dịch COVID-19 đã quét sạch thành tựu phát triển toàn cầu trong hàng chục năm qua, từ y tế cho tới kinh tế.

Một người làm nghề giúp việc gia đình ở Ethiopia mất việc do đại dịch COVID-19. Ảnh: AP
Một người làm nghề giúp việc gia đình ở Ethiopia mất việc do đại dịch COVID-19. Ảnh: AP

Theo báo cáo Goalkeepers 2020 mà Quỹ Bill và Melinda Gates công bố ngày 14/9, COVID-19 không chỉ khiến thế giới ngừng tiến bộ mà còn khiến những lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện cho phụ nữ, trẻ em tụt lùi.

Báo cáo cho biết tỷ lệ tiêm vaccine, vốn được coi là một chỉ số đánh giá hệ thống y tế, đang tụt xuống các mức thấp của những năm 1990. Báo cáo nhận xét: “Nói cách khác, chúng ta đã thụt lùi khoảng 25 năm trong vòng 25 tuần. Điều mà thế giới hành động trong những tháng tới có ý nghĩa rất lớn”.

Hành động toàn cầu để chống đại dịch sẽ ngăn chặn tình trạng mắc bệnh và tử vong, nhưng còn có nhiều thành tựu khác bị lâm nguy cũng cần hành động. Cuộc khủng hoảng này, dù được kiểm soát sớm, cũng sẽ khiến thế giới phải mất nhiều năm để lấy lại những thành tựu đã mất trong lĩnh vực bình đẳng giới, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, chống HIV, chống suy dinh dưỡng…

Ông Mark Suzman, Tổng giám đốc điều hành Quỹ Bill và Melinda Gates, cho rằng nếu thế giới có thể phân phối vaccine ngừa COVID-19 thành công trong vòng khoảng 18 tháng tới, mọi thứ có thể quay về như trước đại dịch trong vòng một tới hai năm. Nhưng ở những nước đang phát triển, đảo ngược xu hướng kinh tế suy giảm có thể mất nhiều thời gian hơn vì các nước này không có khả năng đầu tư nhiều tiền vào nền kinh tế như nước giàu.

Hàng năm, mỗi khi được công bố từ năm 2017 tới nay, báo cáo Goalkeepers đều ăn mừng thành tựu trong chống nghèo đói và bệnh tật ở những nước đang phát triển. Nhưng năm nay, báo cáo chỉ thể hiện mặt tiêu cực của tình hình.

Sau 20 năm liên tục có nhiều tiến bộ, năm 2020 chứng kiến khoảng 37 triệu người lâm vào cảnh nghèo đói cùng cực khi sống với chưa đầy 1,9 USD/ngày. Sống dưới mức nghèo đói nghĩa là phải tìm mọi cách, mọi lúc chỉ để nuôi sống gia đình.

Những người mới lâm vào cảnh nghèo đói phần nhiều là phụ nữ làm những công việc phi chính thức ở những nước thu nhập thấp và trung bình.

Tin xấu với phụ nữ trong đại dịch không dừng ở đó. Báo cáo cho biết: “COVID-19 sẽ gián tiếp khiến phụ nữ phải chịu đựng và tử vong nhiều hơn sau này… Trẻ sơ sinh cũng gặp rủi ro hơn và ngày càng nhiều trẻ sơ sinh tử vong khi hệ thống y tế đang đổ vỡ trên thế giới”.

Phụ nữ, trẻ em là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch. Ảnh: AFP/TTXVN
Phụ nữ, trẻ em là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch. Ảnh: AFP/TTXVN

Trẻ em có nguy cơ nhiễm các bệnh nguy hiểm chết người vì lần đầu tiên trong gần 30 năm qua, số lượng trẻ được tiêm đủ ba liều vaccine ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà giảm mạnh trong 4 tháng đầu tiên của năm 2020.

Đại dịch không chỉ ảnh hưởng sức khỏe trẻ em mà còn ảnh hưởng tới việc học hành của các em. Báo cáo Goalkeepers cho biết: “Dữ liệu từ đại dịch Ebola ở Tây Phi cho biết khi trường học mở cửa lại, trẻ em gái ít quay lại học hơn, do đó, các em bị chặn cơ hội cho bản thân và con cái các em trong tương lai”.

Trong khi đó, báo cáo của Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét cho biết các nghiên cứu mô hình gần đây cho thấy số người tử vong vì HIV, lao và sốt rét có thể tăng gấp đôi trong năm tới do đại dịch COVID-19, xóa sạch tiến bộ hàng chục năm. Báo cáo này cho biết có thể có thêm nửa triệu ca tử vong vì AIDS trên toàn cầu so với năm 2018, ngang với con số năm 2008.

Để tránh điều đó, Liên minh HIV Ấn Độ đã thông báo cho những người dân đã về quê tránh đại dịch về địa điểm gần nhất cung cấp thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV. Ấn Độ là nước có số người nhiễm HIV cao thứ ba thế giới và số ca mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới.

Báo cáo Gatekeepers năm nay dựa trên dữ liệu chưa đầy đủ mà đối tác là Viện Đánh giá và Thống kê Y tế thu thập tới nay. Cần phải chờ tới năm 2021 mới có thể rõ toàn cảnh tình hình.

Dữ liệu từ đầu năm 2020 tới nay dựa trên một loạt khảo sát qua điện thoại di động và phỏng vấn qua điện thoại với 70.000 người ở 82 quốc gia.