Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Cúng bái cầu an có tránh được luật nhân - quả?

PV - 12:01, 02/03/2018

Con người cúng bái cầu an cho mình nhưng lại đem bất an cho kẻ khác thì liệu có tránh được luật nhân – quả?

Những ngày đầu năm mới, đặc biệt dịp rằm tháng Giêng, nhiều nơi tổ chức lễ cầu an cho các gia đình, cầu một năm mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an. Lễ cầu an thu hút sự tham gia của đông đảo tăng ni, phật tử, người dân. Đó là một nét đẹp văn hóa tinh thần của người Việt.

Thế nhưng, điều đáng nói, vì sao nô nức cầu an, người người giải hạn mà cuộc sống vẫn đầy rẫy những bất an do chính con người gây ra cho nhau như vậy?

Hình ảnh Lễ giải hạn đầu năm tại một Ngôi chùa tại Hà Nội Hình ảnh Lễ giải hạn đầu năm tại một Ngôi chùa tại Hà Nội

Xem ra, gần đây có nhiều người mê mẩn cúng lễ tới mức cuồng tín, mù quáng đến nực cười. Mấy ngày Tết nguyên đán Mậu Tuất, con cá chép lúc nổi, lúc chìm dưới mương nước lại được người dân phong thần rồi đem đồ ra cúng bái; mới hôm qua lại có tin nhiều người quỳ lạy, khấn bái mẹ con rắn nước nằm trên ngôi mộ hoang.

Buồn cười hơn nữa, hàng ngàn người leo núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh (Nam Đàn, Nghệ An) để du xuân, cầu mong trí tuệ và sự thành đạt. Trí tuệ và sự thành đạt đâu phải cứ cầu cúng là có. Nó phải là kết quả của một quá trình trau dồi, rèn luyện, phấn đấu.

Hay nhiều lễ hội, sau màn lễ lạt, cúng bái, nhiều người xông vào tranh giành, cướp đồ tế lễ với niềm tin rằng “một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần”.

Nói rằng làm lễ cầu an nhưng khi hành lễ đã không an chút nào. Bởi nhiều người phải chen lấn, giành chỗ ngồi. Thậm chí, có những khóa lễ, người người chen nhau đến “bẹp ruột”, cãi cự nhau chỉ để lấy một chút lộc.

Cuộc sống sẽ chẳng tươi đẹp nếu chúng ta chỉ có những ước muốn thuần túy mà không có những hành động thiết thực. Chính vì lẽ đó mà mối quan hệ nhân – quả luôn cần được đề cao trong tất cả các lời nói, hành động và mối quan hệ xã hội.

Người Việt Nam ta thường nhắc nhau những câu như “gieo nhân nào gặt quả ấy”, “sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy”, “đời cha ăn mặn đời con khát nước”... để răn dạy bản thân và con cháu. Con người cứ nườm nượp đi cầu an mà không chú ý đến việc rèn luyện, trau dồi đạo đức, chuẩn mực trong lời nói, hành động, sẻ chia, giúp đỡ người khác... thì chẳng có an vui nào tìm đến, thậm chí, có khi còn chuốc họa vào thân bởi những lời nói, việc làm chướng tai, gai mắt.

Thực tế, giữa mong muốn và hành động của nhiều người đang rất mâu thuẫn nhau. Cầu cho mưa thuận, gió hòa nhưng lại phá rừng, chặt cây không thương tiếc, xả rác bừa bãi, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp xả thẳng ra sông hồ... chỉ chẳng mẹ thiên nhiên nào chiều lòng con người được.

Cầu cho an khang, sung túc, yên lành, nhưng lại buôn gian, bán lận, buôn hàng giả, hàng nhái, buôn thuốc giả, thức ăn kém an toàn; uống rượu bia, điều khiển phương tiện giao thông, gây gổ đánh nhau... thì sao thân lành, tâm an lạc được. Con người đang cầu an cho chính mình nhưng lại đem bất an cho người khác. Vậy có hợp lý không, có được Phật Thánh phù hộ không?

Sau những buổi lễ cầu an hay đến chùa lễ bái, con người cần có cái nhìn, hành động hướng thiện, có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh. Đó mới là “gieo nhân ái gặt yêu thương”!/.

THEO VOV