Cùng dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương; các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các cụ, các vị, các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...
Đổi mới về nội dung và hình thức phối hợp
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đồng chủ trì Hội nghị liên tịch thường niên giữa Ủy ban Thường vụ và Đoàn Chủ tịchỦy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Việt Nam Lê Tiến Châu trình bày báo cáo kết quả công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Theo đó, báo cáo khẳng định công tác phối hợp của 2 cơ quan tiếp tục được củng cố tăng cường, ngày càng được đổi mới về nội dung và hình thức; có sự trao đổi, bàn bạc, thảo luận, thống nhất giữa lãnh đạo của 2 cơ quan thông qua gặp gỡ trao đổi, hội nghị, tọa đàm và bằng văn bản.
Về trọng tâm phối hợp công tác năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xác định phối hợp củng cố, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ trong đời sống xã hội, phát huy mọi khả năng sáng tạo của Nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội; trong phối hợp công tác xây dựng pháp luật; phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; tập hợp tổng hợp và xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; tập trung phối hợp chặt chẽ tổ chức thực hiện một số nội dung giám sát năm 2022...
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, công tác phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ngừng được quan tâm, củng cố, tăng cường; nhất là từ khi Quy chế phối hợp được ban hành năm 2003; sau đó, tổng kết 15 năm thực hiện để sửa đổi, ban hành thay thế năm 2018 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để 2 bên triển khai hiệu quả, nghiêm túc, thực chất các lĩnh vực, nội dung cam kết phối hợp công tác.
Vai trò là nòng cốt trong khối đại đoàn kết
Nêu rõ, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc khôi phục phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chủ tịch Quốc hội trân trọng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ngày 16/8/2021.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần làm tốt hơn nữa vai trò là nòng cốt chính trị trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cầu nối vững chắc giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước, tập hợp, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Trong bối cảnh năm 2022 có rất nhiều việc đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả hơn nữa giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cơ bản thống nhất với trọng tâm công tác phối hợp đã đề ra và đề nghị quan tâm tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ trong xã hội, phát huy mọi khả năng sáng tạo của nhân dân để đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Nội dung thứ hai, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục phát huy vai trò của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các Hội đồng tư vấn của Mặt trận trong việc tham gia xây dựng pháp luật và phản biện xã hội.
Phối hợp tốt các hoạt động giám sát
Năm 2022, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó, đối với chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.
Nhấn mạnh, vai trò của MTTQ Việt Nam là rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn Chủ tịch tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng tham gia các hoạt động giám sát, đóng góp ý kiến xác đáng, chất lượng, hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị 2 bên tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động phối hợp thường xuyên; iếp tục chỉ đạo việc đổi mới hình thức tổ chức, nội dung, đối tượng tiếp xúc cử tri để thu hút rộng rãi, đông đảo cử tri tham gia với tinh thần luôn đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân và tôn trọng dân. Tăng cường trao đổi thông tin về chương trình và kết quả công tác.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, rà soát Quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan để chuẩn bị sang năm có thể sơ kết 5 năm thực hiện, sửa đổi những vấn đề nếu xét thấy cần thiết cho phù hợp với tình hình mới.
Tại hội nghị, đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm cho chính sách khen thưởng đối với người có công trong đại dịch, chính sách an sinh xã hội. Kiến nghị kiện toàn bộ máy Mặt trận Tổ quốc phù hợp, tương xứng với vị trí, vai trò của MTTQ giúp thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc; quan tâm chính sách để các chuyên gia trong các hội đồng tư vấn có điều kiện phát huy trí tuệ, trách nhiệm…
Cơ bản tán thành các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị trong năm 2022, trong công tác xây dựng pháp luật tiếp tục phát huy tinh thần của Chủ tịch Quốc hội thường xuyên quán triệt “chuẩn bị từ sớm, từ xa” từ đó phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn trong phản biện, góp ý, xây dựng pháp luật theo đúng tinh thần Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị.
Trong công tác giám sát năm 2022 tham gia tích cực vào các chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần huy động sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc tại 63 tỉnh, thành phố để phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân các cấp và Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, công tác tiếp xúc cử tri.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, MTTQViệt Nam cần chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức thành viên và hơn 100 nghìn Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư để tăng cường nắm bắt tình hình nhân dân kịp thời, sâu sắc hơn, để nghe dân nói, nói dân nghe và phát huy tinh thần dân biết, dân bàn, dân kiểm tra.
Nhất trí với dự thảo báo cáo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội ủng hộ việc xây dựng dự án Luật Giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; trước mắt ủng hộ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đề nghị giữ nguyên chế định thanh tra nhân dân trong luật thanh tra đến khi ban hành Luật Giám sát, phản biện xã hội được chấp thuận thông qua.