Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Cuộc sống mới của người Đan Lai

Vi Trạch Dương - 09:31, 01/06/2020

Đan Lai là dân tộc ít người sinh sống chủ yếu ở miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An. Dân tộc Đan Lai trước đây đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì nghèo đói, lạc hậu và hôn nhân cận huyết thống… Nhưng bây giờ, cuộc sống của người Đan Lai đã đổi thay và đang tự tin hòa nhập với cộng đồng các dân tộc anh em.

Khu tái định cư của đồng bào Đan Lai ở Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn (Con Cuông, Nghệ An)
Khu tái định cư của đồng bào Đan Lai ở Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn (Con Cuông, Nghệ An)

Không còn hủ tục? 

Ngồi thuyền máy hơn 2 tiếng đồng hồ ngược sông Giăng cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân lên bản Cò Phạt, bản đầu tiên của người Đan Lai giữa vùng lõm Vườn quốc gia Pù Mát thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An). Ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi đó là hai bên đường những thửa ruộng lúa lên xanh, nhà cộng đồng, trạm y tế, trường mầm non khang trang. 

Ông La Văn Tám, Trưởng bản Cò Phạt phấn khởi cho biết: “Người Đan Lai trước đây vẫn có thói quen ngủ ngồi, sinh sống hoang dã như người rừng. Nhưng từ khi được Đảng và Chính phủ quan tâm, bà con đã biết làm lúa nước, làm kinh tế trang trại, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, trẻ em được đến trường… Điều đặc biệt nữa là hiện nay những hủ tục đáng sợ trước đây của dân tộc Đan Lai, như hủ tục đẻ ngồi, nhúng trẻ sơ sinh xuống suối, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… không còn nữa”.

Theo người dân Cò Phạt kể thì tục ngủ ngồi để tránh thú dữ của người Đan Lai đã kéo theo hủ tục đẻ ngồi. Khi phụ nữ Đan Lai sắp sinh thì được đưa ra chòi canh ở trên nương để đẻ. Khi vợ đẻ xong, người chồng đem con xuống suối rửa rồi nhúng 7 - 9 lần mặc kệ nước suối lạnh hay nóng.

Ông La Văn Liễu (62 tuổi), tâm sự: “Vì đẻ ngồi như vậy, đã có người bị băng huyết và tử vong. Còn khi đẻ xong nhúng đứa trẻ xuống nước, đứa sống sót thì khỏe mạnh lắm, nhưng cũng có nhiều trẻ không qua được. Giờ nhớ lại, chúng tôi vẫn thấy sợ hủ tục này”.

Theo ông Liễu, giờ tục ngủ ngồi không còn nữa do bản không còn hoang vu như trước. Bản lại có Trạm quân dân y kết hợp của Bộ đội Biên phòng (BĐBP), có giường đẻ hẳn hoi nên không còn ai ngồi đẻ ở trên nương nữa.

Sống biệt lập, co cụm nơi thâm sơn cùng cốc nên đồng bào Đan Lai đã sinh ra nạn tảo hôn và lấy nhau trong anh em nội tộc. Vấn nạn này đã kéo theo nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi. Anh Lương Viết Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết: Trước vấn nạn này, các cấp, đoàn thể của chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền vận động. Vả lại, thế hệ trẻ Đan Lai hạ sơn đã mang nhận thức xã hội tiến bộ trở về thay đổi bản làng mình. Chính lớp trẻ đã nhận thức được tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nên tự phá vỡ những hủ tục đó. Hiện nay, trai gái kết hôn đều đúng quy định của pháp luật và đạo lý của dân tộc.

Theo anh Tùng thì ngoài những hủ tục trên, những tệ nạn như mê tín cúng ma xó và nghiện rượu say xỉn suốt ngày của đàn ông Đan Lai nay cũng gần như không còn nữa.

BĐBP hướng dẫn bà con Đan Lai làm lúa nước
BĐBP hướng dẫn bà con Đan Lai làm lúa nước

Tự tin hòa nhập cộng đồng

Năm 2006, Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Đề án như một cuộc giải cứu thực sự, khi đặt mục tiêu 146 gia đình dân tộc Đan Lai ở hai bản Búng và Cò Phạt sẽ được di dời ra khỏi rừng sâu. 30 hộ còn lại ở lại bản Cò Phạt nhưng sẽ được đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm… để làm điểm du lịch sinh thái. Năm 2007, 42 hộ dân đầu tiên đã được ra khỏi rừng, đến nơi ở mới ở xã Thạch Ngàn (Con Cuông). Từ năm 2006 đến nay đã có hàng trăm người Đan Lai ra nơi ở mới. 

Ông Lương Viết Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết: Tại các điểm tái định cư ở Cửa Rào, Tân Sơn (xã Môn Sơn) và bản Thạch Sơn, Kẻ Tắt (xã Thạch Ngàn), đồng bào Đan Lai được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang, cấp đất sản xuất. Sau khi các hộ dân ổn định cuộc sống nơi ở mới, Đảng ủy, chính quyền xã đã giao cho các đoàn thể phân công trách nhiệm hướng dẫn cụ thể từng gia đình biết về phương thức làm lúa nước, biết cách trồng trọt và chăn nuôi.

Ngoài nỗ lực của các cấp chính quyền, vai trò của lực lượng BĐBP hết sức quan trọng trong việc tái định cư tại chỗ cho các hộ dân còn lại ở Cò Phạt và Bản Búng. BĐBP thường xuyên bám dân, bám bản, hướng dẫn bà con từng bước thay đổi thói quen săn bắt, hái lượm sang trồng trọt, chăn nuôi mang lại những thay đổi nhận thức. Đồng bào Đan Lai cũng đã nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng các bản, làng khác, nhất là về phương thức sản xuất. 

 Bà Kha Thị Tím, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Hiện nay, nhiều điển hình kinh tế đã xuất hiện, như anh La Quang Vinh ở bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn được đánh giá là hộ Đan Lai năng động, chịu khó học hỏi và tích cực khai hoang. Gia đình anh trồng được các loại cây lương thực, hoa màu. Ngoài ra còn trồng hơn 2ha gỗ xoan kết hợp làm kinh tế trang trại và chăn nuôi, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng.

Hay ông La Văn Thám, ở bản Tân Sơn; chị La Thị Nguyệt ở điểm tái định cư Cửa Rào. Hai hộ này trồng lúa nước kết hợp làm kinh tế trang trại đã cho thu nhập 30 - 50 triệu đồng/năm.

Hiện nay hầu hết hộ gia đình ở các khu tái định cư đều có ti vi, điện thoại, nhiều hộ đã sắm được xe máy và các vật dụng đắt tiền trong gia đình. Con em Đan Lai đều được đến trường, nhiều em đã học lên THCS, THPT và đại học. Bà con Đan Lai đang đổi thay tích cực và tự tin hòa nhập với các dân tộc anh em.

Tin cùng chuyên mục
Khai mạc Festival Ninh Bình chủ đề “Dòng chảy di sản”

Khai mạc Festival Ninh Bình chủ đề “Dòng chảy di sản”

Tối 24/11, tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế (thành phố Ninh Bình) đã diễn ra Lễ khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ 3 năm 2024 với chủ đề "Dòng chảy di sản". Đây là sự kiện văn hóa - du lịch có ý nghĩa rất quan trọng, tái hiện những mốc son lịch sử huy hoàng của dân tộc.