Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Cuộc sống thanh bình của người Toraja

PV - 15:48, 29/05/2018

Ở làng của người Toraja (Nam Sulawesi, Indonesia), vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên kết hợp tuyệt vời với nét văn hóa đặc sắc (và có phần bí ẩn) được gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Chính những điểm này, đã giúp họ thu hút được rất nhiều khách du lịch tới tìm hiểu những điều bí ẩn trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Nhà là những chiếc thuyền

Toraja là một nhóm dân tộc sống ở khu vực miền núi của Nam Sulawesi, Indonesia. Với bất kỳ ai lần đầu tiên đến Tana Toraja (vùng đất của người Toraja) sẽ thấy từng căn nhà Tongkonan xếp thành hàng dài thẳng tắp, tựa như những con thuyền neo đậu trong bến thanh bình sau một mùa ra khơi.

Ngôi làng Te’ke Te’su’ nép mình dưới chân núi. Những ai đã một lần chiêm ngưỡng những ngôi nhà Tongkonan ở làng này sẽ thắc mắc vì sao giữa vùng rừng xanh núi thẳm nơi đây lại hiện diện hình bóng những con thuyền. Câu chuyện của những người Toraja được kể lại rằng: Từ ngàn năm trước tổ tiên họ từng sống ở lưu vực sông Mekong thuộc Đông Dương. Do những biến động của địa lý và xã hội, cộng đồng Toraja thuở ấy đã giong buồm vượt biển đi tìm vùng đất mới.

Những ngôi nhà Tongnakan truyền thống với mái vòm hình con thuyền. Những ngôi nhà Tongkonan truyền thống với mái vòm hình con thuyền.

 

Họ đã đến được vùng đất mà ngày nay gọi là Makassar, thủ phủ của tỉnh Sulawesi. Tuy nhiên, người địa phương đã xua đuổi họ. Cả bộ tộc đưa đoàn thuyền ngược sông Sadan đi về phía núi, họ đi cho đến khi những dòng thác lớn ngăn họ lại và họ quyết định chọn nơi đó làm quê hương thứ hai. Kể từ đó, những mái nhà Tongkonan hình con thuyền được dựng lên và luôn hướng về phía Bắc như để nhắc nhở con cháu họ rằng, cha ông đã từ phương Bắc vượt biển để đến được mảnh đất lành nơi đây.

Người Toraja cho rằng, ba tầng không gian trong mỗi Tongkonan tượng trưng cho ba tầng vũ trụ: Thiên giới-dương gian-địa ngục. Cũng vì thế mà tổng thể một ngôi nhà Tongkonan luôn được chia ra 3 phần: Phía trên cùng là nơi linh thiêng dành cho tổ tiên, ở giữa là không gian sống của gia đình và bên dưới sàn nhà là nơi dành cho gia súc. Có 3 loại nhà Tongkanan, từ hình dáng và kiến trúc ngôi nhà có thể nhận thấy cấu trúc xã hội ở Toraja cũng được phân chia thành các tầng lớp hạ lưu, trung lưu và thượng lưu: Tongkonan layuk thường được dành cho những gia đình có vị thế trong cộng đồng hay các vị trưởng tộc; Tongkonan pekamberan thuộc về những gia đình trung lưu; và Tongkonan batu là của lớp người bình dân.

Hang chôn

Hang chôn là một trong những điểm nổi bật về văn hoá của người Toraja, là nơi chôn cất người chết. Thay vì đặt xác người dưới đất, họ đưa người chết vào một quan tài và sắp xếp trong những hang động tự nhiên. Bằng cách đó, họ sẽ dễ dàng hơn để lấy xác cho các nghi thức như Ma’Nene, khi những người thân yêu chết được đưa ra khỏi mộ, tắm, chải chuốt và đưa trở về nhà như thể họ vẫn còn sống.

Bên ngoài các hang động chôn cất là hình nộm tạc bằng gỗ, mỗi hình nộm tượng trưng cho một người đã chết. Trong số các hang chôn thì Lemo và Londa là hai hang động lớn nhất, phổ biến nhất để thăm viếng. Ngay từ bên ngoài, bạn sẽ thấy cảnh tượng thật ngoạn mục, với những hình nộm trang trí công phu, kỳ lạ và sống động. Những du khách tò mò được chào đón khám phá bên trong hang động.

Ngày nay, thợ thủ công Torajan đã nỗ lực rất nhiều để đạt được sự giống nhau về mặt vật lý và khuôn mặt giữa hình nộm và người thật (đã khuất). Người Torajans tin rằng người chết có thể mang đồ đạc của họ đến thế giới bên kia, do đó, hình nộm cũng thường được trang bị các vật nhỏ như túi hoặc thậm chí Kinh Thánh. Đôi lúc vì trông... quá sống động, các hình nộm làm khách du lịch sợ hãi. Nhưng phần nhiều cảm thấy ngưỡng mộ và thích thú với các tác phẩm bằng gỗ này.

Đáp ứng nhu cầu của du khách, nhiều thợ thủ công tạo ra một số hình nộm nhỏ xinh làm quà lưu niệm. Quà lưu niệm được bán tại các chợ truyền thống được các nghệ sỹ địa phương tạo ra, đảm bảo tính xác thực và các biểu tượng văn hoá trong từng chi tiết, từ hàng dệt đến các phụ kiện và trang trí nhà.

AN ĐỒNG

Tin cùng chuyên mục
Gia Lai: Hội thảo phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bền vững

Gia Lai: Hội thảo phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bền vững

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ngày 14/5, tại Tp. Pleiku, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tổ chức “Hội thảo phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bền vững”.